Với hàng loạt ưu điểm: Dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, có thể nuôi trong ao hồ, lồng bè, so với các đối tượng nuôi truyền thống như các loại cá trắm, mè, chép, rô phi… thì cá leo (hay còn gọi là cá lăng đen) đang là một đối tượng nuôi mới đầy triển vọng, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Cùng anh Nguyễn Khắc Mạnh, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đến thăm lồng nuôi của anh Phạm Viết Tin ở thôn Văn Trị (xã Hải Tân, huyện Hải Lăng), hộ đầu tiên đưa giống cá leo về nuôi thử nghiệm trong lồng bè. Trao đổi với chúng tôi, anh Tin cho biết, gia đình anh có 2 lồng nuôi cá chình, hàng năm mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên từ cuối năm 2016, cá chình nuôi của anh bị bệnh chết hàng loạt. Không nản chí, anh đã tiếp tục thả nuôi thử nghiệm 1 lồng cá leo với 200 con giống. Thật bất ngờ, giống cá leo lại tỏ ra thích nghi với điều kiện môi trường của địa phương.
Chỉ chưa đầy 3 tháng nuôi, cá đã đạt kích cỡ từ 0,8 - 1 kg/con, sau khi trừ chi phí đã mang lại cho gia đình anh Tin lợi nhuận gần 10 triệu đồng. Hiện anh đang chuẩn bị thu hoạch lứa cá leo thứ 2 với sản lượng khoảng 4 tạ.
“Chỉ mới thả nuôi được 2 tháng 5 ngày nhưng cá đã đạt kích cỡ từ 0,7 - 0,8 kg/con. Dự kiến khoảng 10 - 15 ngày nữa khi cá đạt kích cỡ khoảng 1kg/ con là có thể xuất bán được. Sau khi trừ chi phí ít nhất tôi cũng thu được từ 15 - 20 triệu đồng”, anh Tin nhẩm tính.
Theo anh Nguyễn Khắc Mạnh, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, con cá chình mặc dù mang lại lợi nhuận cao nhưng thời gian nuôi dài, phải từ 1,5 - 2 năm mới thu hoạch được. Giá cá chình giống lại cao, với lồng nuôi có thể tích từ 10 - 15 m3 chỉ tính riêng tiền cá giống người nuôi phải đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng. Vì vậy khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi đã phải “treo lồng” do mất vốn, không có khả năng đầu tư trở lại.
Trong khi đó với con cá leo, do đã có thể sinh sản nhân tạo được nên giá cá giống tương đối thấp, chỉ xấp xỉ 8.000 đồng/con. Với 1 lồng nuôi cá leo người nuôi chỉ phải đầu tư khoảng 3 - 4 triệu đồng tiền cá giống. Bên cạnh đó, do có chất lượng thịt thơm ngon nên giá bán cá leo tương đối cao. Bình quân từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, lúc cao có thể đạt từ 150.000 - 160.000 đồng/kg.
“Con cá chình mặc dù có giá bán cao hơn gấp 4 - 5 lần con cá leo nhưng thời gian nuôi lại tương đối dài, phải từ 18 - 24 tháng cá mới đạt kích cỡ thương phẩm. Trong khi với con cá leo này chỉ sau 2,5 - 3 tháng thả nuôi là đã có thể xuất bán được. Tính ra một năm có thể nuôi được ít nhất 3 lứa cá, rất phù hợp với người nuôi trong việc “lấy ngắn nuôi dài”, anh Mạnh cho biết.
Khi được hỏi về những vấn đề cần lưu ý khi nuôi đối tượng cá leo, anh Tin cho biết, lồng nuôi sau khi thu hoạch xong thì cần đưa lên bờ vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng nước vôi loãng. Đối với cá giống thì trong 7 - 10 ngày đầu sau khi thả nuôi cần cung cấp thêm ôxy bằng máy sục khí để tăng cường sức khỏe cho cá.
Về thức ăn, người nuôi cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, tránh không để cá thiếu thức ăn sẽ tranh giành, cắn lẫn nhau làm cá bị xây xát. Cá leo ăn tạp, bên cạnh thức ăn công nghiệp chúng có thể ăn các loại thức ăn chế biến từ phụ phẩm lò mổ gia súc, gia cầm, cá tạp băm nhỏ, ốc bươu vàng… Do vậy, có thể tận dụng thức ăn để giảm chi phí nuôi.
Bên cạnh những ưu điểm như dễ nuôi, lớn nhanh thì theo đánh giá của anh Tin cá leo là loài cá nước ngọt có khả năng thích nghi rất tốt với sự biến đổi của môi trường. “Thời gian qua mặc dù có mấy đợt mưa bão, nước lũ từ trên nguồn đổ về nhưng tôi thấy con cá leo vẫn phát triển bình thường, không có bất cứ bệnh tật gì xảy ra cả”, anh Tin chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Trẫm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết, toàn huyện hiện có 153 lồng nuôi cá, trong đó có 50 lồng thả nuôi cá chình, còn lại là các lồng nuôi cá trắm cỏ tập trung ở các xã Hải Tân, Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Trường. Riêng đối với con cá leo do đây là đối tượng nuôi mới nên theo thống kê của Phòng Nông nghiệp hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có khoảng 2 - 3 lồng nuôi.
Theo đánh giá thì đây là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, thời gian nuôi ngắn, năng suất cao. “Hiện nay huyện mới chỉ hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông với 2 đối tượng nuôi chính là cá chình và cá trắm cỏ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện đưa thêm vào đối tượng cá leo này nhằm động viên người dân nhân rộng mô hình này, góp phần đa dạng đối tượng nuôi, mang lại thu nhập cao cho nông dân”, ông Trẫm cho biết thêm.
Với những ưu điểm như thời gian nuôi ngắn, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, so với các đối tượng nuôi truyền thống như cá trắm, mè, chép, rô phi… thì cá leo đang dần tỏ ra là một đối tượng nuôi mới đầy triển vọng, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay do người dân tự phát nuôi nên để nhân rộng mô hình này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi trong ao đất, trong bể xi măng để đa dạng hình thức nuôi; có sự kiểm tra, chứng nhận chất lượng con giống để người dân yên tâm trong thả nuôi hiệu quả.