Ông Đoàn Thanh Nhã, Trạm trưởng Trạm thú y và chăn nuôi huyện Ngọc Hồi cho biết, kiểu trang trại của ông Phùng được đầu tư theo công nghệ lạnh, khép kín, hiệu quả. Trang trại với sức chứa hàng trăm con nhưng không hề có mùi, đó là thành quả cho sự kỳ công của gia chủ.
“Trang trại của tôi rộng 2,5ha thì dành riêng 3.000m2 để làm trại nuôi heo. Với khuôn viên này, tôi đầu tư không dưới 4 tỉ đồng…” - ông Phùng cho biết.
Năm 2014, khi chưa làm trang trại này, ông Phùng đầu tư nuôi 30 con heo nái, rồi lấy heo con nuôi thành heo thịt. Tuy nhiên, nuôi heo gặp nhiều bấp bênh trong khi người tiêu dùng luôn khó tính khi tiêu thụ sản phẩm, nên nếu gặp phải thị trường lao dốc thì không biết bán cho ai. Với suy nghĩ vậy, ông Phùng đã quyết định tìm tòi đầu tư làm trang trại nuôi heo theo cách khác.
Nói nghe đơn giản, nhưng làm thì không đơn giản chút nào từ khâu chuồng trại, vệ sinh cho đến cách chăm sóc, cách nuôi heo nái, heo thịt, heo con và biện pháp tách con khỏi đàn…, vì vậy ông đã tự học hỏi, tìm tòi, và cuối cùng dốc hết vốn liếng cộng với vay mượn thêm để đầu tư một cách công phu và bài bản tất cả các khâu.
Gần 2 năm làm ăn theo kiểu này, mỗi năm, ông Phùng bán được 2 đợt với tổng số 400-500 con heo thịt (sau 5 tháng nuôi, trọng lượng đạt 1tạ/con).
Theo lời kể của ông Phùng, sau thời gian tìm hiểu, tư vấn, đọc qua mạng xã hội và đi tham quan các trang trại heo nổi tiếng ngoài tỉnh, ông Phùng quyết định làm trang trại chuồng “lạnh” để nuôi heo vào cuối năm 2016. Tuy nhiên việc đầu tư trại nuôi kiểu này chi phí tăng 20% so với trại nuôi heo theo các công nghệ khác.
Đặc biệt, trang trại kiểu này ngành chức năng can thiệp từ nguồn giống, thức ăn, nguồn nước, quy trình nuôi và vệ sinh chuồng trại…
Nắm bắt điều này, ông Phùng đi “gõ cửa” ngành chuyên môn của huyện Ngọc Hồi và tỉnh Kon Tum để được hướng dẫn cặn kẽ. Sau đó ông đầu tư xây dựng chuồng nuôi 60 con heo nái giống để lấy nguồn giống đạt chuẩn (theo quy trình nuôi heo theo trang trại lạnh).
Khi heo nái đẻ ra, cứ mỗi năm 2 lứa, ông chọn 400 con heo con/lứa để nuôi heo thịt, số heo con còn lại bán ra ngoài. Ngoài “ăn, ngủ” với đàn heo này, ông Phùng còn thuê hai nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản ngành chăn nuôi túc trực 24/24 tại trang trại để chăn sóc heo.
“Nuôi, chăm sóc cho heo chính là nhờ hai nhân viên kỹ thuật này, còn vợ chồng tôi chỉ là… phụ việc. Nếu chăm sóc heo không đúng kỹ thuật, trong đó có cả việc bước vào chuồng không có bảo hộ, hai cậu kỹ thuật kia sẽ cấm vợ chồng tôi đến đây” - ông Phùng chia sẻ vui.
Cái hay của trại nuôi heo kiểu này là lúc nào cũng giữ nhiệt độ chuồng nuôi 26-270C cả ngày lẫn đêm, vì vậy tác động của thời tiết không ảnh hưởng gì đến quá trình nuôi dưỡng.
Tự tin với sản phẩm thịt heo đảm bảo chất lượng nên cách đây 3 tháng, ngoài việc xuất bán ra thị trường, ông Phùng còn hợp tác cùng hai hộ gia đình khác mở cửa hàng bán thịt heo mang tên Ngọc Hồi Xanh.
Hàng ngày, ông Phùng thức dậy từ 2-3 giờ sáng đưa heo đến điểm giết mổ tập trung để ngành chức năng địa phương “đóng dấu” kiểm định, sau đó đưa ra bán tại cửa hàng. Mục đích của cửa hàng này là tự tiêu thụ heo trại nuôi, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường và bình ổn giá.
Theo ông Phùng, xưa nay, dù giá bán heo có xuống mấy nhưng thịt heo tiêu thụ hàng ngày chẳng mấy khi giảm giá. Trong khi đó, mình tự mổ heo trại đi bán, thịt heo chất lượng thì khách hàng sẽ tìm đến.
Hơn nữa, do không thông qua thương lái nên giá bán thịt heo tại cửa hàng Ngọc Hồi Xanh lúc nào cũng giảm từ 10-15% so với các cửa hàng, quầy bán khác. Cũng chính từ việc làm đó, thịt heo tại cửa hàng của ông luôn đắt khách. “Những ngày tiêu thụ mạnh, cửa hàng bán hết từ 4 đến 5 tạ thịt heo, còn ít nhất là 2 tạ đến 2,5 tạ” - ông Phùng cho biết.
Với cách làm này, ông Phùng tính toán mỗi lứa heo thịt, sau khi trừ chi phí tất cả, cũng thu lãi được khoảng 250-300 triệu đồng; một năm xuất bán 2 lứa, trang trại ông thu về khoảng 500-600 triệu đồng tiền lãi.
Dự định trong năm học này, ông Phùng sẽ hợp đồng cung cấp thịt heo sạch cho bếp ăn của các trường học bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các bếp ăn tập thể khác cũng là địa chỉ mà ông Phùng hướng đến để giới thiệu sản phẩm của mình.
Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Kon Tum cho biết: “Theo kiểm tra của chúng tôi thì các trại chăn nuôi hiện nay trên địa bàn đảm bảo các điều kiện: không có chất tăng trọng và tạo nạc; môi trường chuồng trại, thức ăn không có vi sinh vật vượt quá ngưỡng; không có chất kim loại nặng trong thịt; không có kháng sinh vượt ngưỡng gây hại; không có chất bảo quản trong thức ăn… Đây là sản phẩm thực chất mà địa phương đang khuyến khích những trang trại chăn nuôi sản xuất, để hướng đến chất lượng thịt tốt hơn xuất bán thị trường…”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã