Nông nghiệp 4.0 liệu có quá sức với người nông dân?
Nông dân xuất sắc năm 2014 Trần Nguyễn Hồ ở Châu Thành, Hậu Giang bày tỏ lo ngại: “Khi chúng ta phấn đấu làm theo cách sản xuất mới, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khó và là cái chúng tôi phải hết sức phấn đấu. Liệu rằng trong ứng dụng nông nghiệp 4.0 sắp tới, với hàng loạt đòi hỏi lớn hơn về khoa học, công nghệ, vốn, kiến thức…, liệu có phải quá sức đối với nông dân chúng tôi hay không?”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham gia phát biểu tại Diễn đàn
Một cuộc khảo sát của Ban Tổ chức ngay sau đó về chủ đề: “Nông dân gặp những khó khăn gì trong 3 lĩnh vực: Nhân lực; Điều khiển thiết bị; Tìm kiếm công nghệ phù hợp hay cả 3 vấn đề này?” đã cho kết quả là cả 3 vấn đề này, cho thấy những khó khăn khi người nông dân tham gia vào cuộc nông nghiệp 4.0 là có thật.
Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Lâm Đồng) Nguyễn Công Thừa cho biết HTX đang trồng rau quả VietGAP, áp dụng công nghệ nhà kính, tự động hoá vào tưới tiêu, từ đó cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu hơn 10 triệu USD/năm.
“Thời gian qua tôi cũng đã nghe nói đến Nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thực sự hiểu đó là gì? Nó có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi đang áp dụng? Nếu áp dụng vào, Nông nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá ra sao?”, ông Thừa băn khoăn và đây cũng là tâm tưởng của nhiều nông dân có mặt tại Diễn đàn.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ NNPTNT cho hay Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức. Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị.
Toàn cảnh Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”.
Trước đó, thế giới đã trải qua Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mỳ lùn cải tiến. Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt.
Bà Thuỷ cho rằng với người nông dân sản xuất nhỏ lẻ tuỳ thuộc ở các nước khác nhau mà có cách tiếp cận khác nhau. Ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Lâm Đồng, có thể thấy rất nhiều nông dân đã nhạy cảm, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ. Nên việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hoàn toàn có thể.
Từ thực tiễn sản xuất và xuất khẩu trứng gà sạch sang thị trường khó tính như Nhật Bản, bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công ty Ba Huân, người được vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á- Thái Bình Dương bày tỏ: “Tôi nghĩ, 4.0 đối với nông nghiệp nước ta sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là có sự hợp tác giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đều cùng chung tay sẽ giúp cho sản phẩm nông dân không chỉ thành công ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới”.
Không nên thực hiện nông nghiệp 4.0 theo phong trào
Tiến sỹ Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình cho rằng chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay Nông nghiệp 4.0 mà trước hết hãy bắt đầu từ cơ giới hoá hoá rộng rãi nông nghiệp, thay đổi nhận thức của nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, ông Báo nhấn mạnh: “Khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó, rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết, gắn với thị trường để làm nông nghiệp 4.0”.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng Việt Nam không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước theo kiểu phong trào, không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.
Khi làm nông nghiệp công nghệ cao, Giáo sư Bộ đề nghị cả Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân cần cần xác định 3 điều, đó là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không?
Làm nông nghiệp vì mục tiêu thương mại và sức khoẻ con người
Đồng tình với các ý kiến và nhận thức của các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội.
“Trước đây ta đã nói nhiều kinh tế tri thức mà nói hoài không biết làm gì? Các nước họ không nói nhiều tới cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 đâu mà chỉ làm thực chất. Ta cũng phải ít nói đi mà hãy bắt tay vào thực hiện sáng tạo thông mình vì mục tiêu thương mại, sức khoẻ của người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.
Để phát triển thành công nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa “4 nhà”- Nhà quản lý (chính quyền), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông; coi trọng công tác truyền thông để tạo đồng thuận và thay đổi nhận thức xã hội về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với sức khoẻ con người.
Về định hướng chiến lược, Phó Thủ tướng yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
“Bốn nhà” cần xác định các công nghệ, lĩnh vực trong khu vực nông nghiệp cần ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách về thuế, chi ngân sách nhà nước, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thị trường...; trong đó chú trọng các cơ chế huy động nguồn lực theo thị trường, bảo đảm hiệu quả, bền vững như cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển bảo hiểm nông nghiệp.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết trong Quý IV/2017, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho xã hội, các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, các ngành, doanh nghiệp chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vận hành, phát triển nông nghiệp 4.0, trong đó tập trung nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp,…; chủ động, tăng cường hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác,...
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chiến lược phát triển đất nước của Đảng trong giai đoạn hiện nay là phát huy trí tuệ, thành quả công nghệ của thế giới nhưng đồng thời vẫn phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, nhất là ở khu vực nông thôn để tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Hội nông dân Việt Nam nghiên cứu, tổ chức Diễn đàn Nông dân lần thứ 3 về chủ đề này để phát triển đời sống nông dân bền vững.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã