Học tập đạo đức HCM

Quản lý chăn nuôi không thể lơ là, nóng vội

Thứ hai - 27/08/2012 04:57
Dịch bệnh trong chăn nuôi là điều khó tránh khỏi khi tổng đàn ngày càng tăng. Từ đầu những năm 2000 đến nay, dịch bệnh xảy ra ngày một dày đặc như cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh… với con số thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

 

Cung cấp trứng đạt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp tránh dịch cúm gia cầm. Ảnh: Diễm Thy

Cúm gia cầm - chủ yếu là vaccine…

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Diệp Kỉnh Tần cảnh báo, từ nay đến cuối năm, nguy cơ bùng phát cúm gia cầm rất lớn khi mức độ bảo hộ của vaccine cúm gia cầm đối với chủng virus ở miền Bắc chưa cao, chỉ đạt 60% đến 70%. Trong khi đó, cả nước hiện đã có 5 tỉnh, thành xuất hiện dịch cúm gia cầm gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình và Nam Định. 3 tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An và Cao Bằng đã từng xuất hiện dịch trước đây và đã qua quy định 21 ngày.

Việc dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại một số tỉnh, thành phố chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, theo nhận định của nhà quản lý, nguyên nhân chính là do tình trạng gia cầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc chưa được ngăn chặn. Thời điểm này những năm trước vẫn còn khá êm ắng, nhưng năm nay dịch bệnh diễn ra sớm hơn. Thời điểm cuối năm, khi thời tiết ở khu vực phía Nam trở nên mát mẻ và phía Bắc bước vào mùa lạnh, đây sẽ là mùa thuận lợi để virus phát triển.

Khi dịch cúm gia cầm mới bùng phát mạnh vào cuối năm 2003, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là dịp để sắp xếp lại chuỗi chăn nuôi gia cầm theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Lúc đó, TPHCM đi đầu trong việc sắp xếp lại việc chăn nuôi như xa khu dân cư, tiêm phòng, vận chuyển bằng xe chuyên dùng (không được bằng xe gắn máy hay xe khách) theo một hướng nhất định đưa vào giết mổ tập trung, và khi kinh doanh có tủ bảo ôn…

Việc thay đổi này lúc đầu thật sự gây sốc cho người chăn nuôi cũng như người kinh doanh ở các chợ và cả người tiêu dùng TP vì phải thay đổi thói quen mua gia cầm sống. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo TPHCM việc này cũng đi dần vào nề nếp. Việc này được Bộ NN-PTNT ghi nhận, Chính phủ khuyến khích và nhiều tỉnh thành đến TPHCM tìm hiểu, học tập.

Tuy nhiên, khi dịch cúm gia cầm được khống chế khá hiệu quả nhờ vaccine, thời gian và số địa phương xuất hiện dịch bệnh giảm xuống cũng là lúc sự lơ là và chủ quan lớn dần, xem việc phòng chống là của ngành thú ý, việc phối hợp liên ngành trở nên lỏng lẻo. Người chăn nuôi cũng chủ quan khi không còn hốt hoảng như trước. Là mô hình được các nơi học tập, nhưng TPHCM cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều điểm bán gia cầm sống không chỉ ở ngoại thành hay quận ven mà còn cả nội thành nên người tiêu dùng tìm mua trở lại gia cầm sống. Việc nuôi gà, nhất là gà đá khá phổ biến ở nội thành.

Có thể nói, chúng ta đã không chuyển được nguy cơ thành cơ hội để tái cấu trúc lại việc chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ. Sự chuyển động của một vài địa phương không thể làm thay đổi cơ bản tình hình. Cho đến nay vaccine vẫn được xem là biện pháp chủ yếu trong phòng dịch cúm gia cầm (nhưng tỷ lệ không cao nên việc tái xuất hiện hàng năm là điều khó tránh) và những khuyến cáo khi dịch bệnh xuất hiện thay vì có những chuyển đổi cơ bản hơn trong chăn nuôi và quản lý.

Không thể vội vàng

Ngày 3-9 tới, Thông tư 34 về kinh doanh trứng gia cầm của Bộ NN-PTNT sẽ có hiệu lực. Theo đó, quy định sẽ kiểm soát chặt về điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Tức là cơ sở trứng phải có địa điểm riêng biệt với khu dân cư, có thiết bị xử lý trứng, bảo quản trứng ở nhiệt độ lạnh thích hợp, thiết bị vệ sinh, xử lý chất thải…

Tuy nhiên, điều này đã tạo ra những tranh cải về tính khả thi do thời gian quá ngắn để các cơ sở có thể chuẩn bị. TPHCM, địa phương có sự chuẩn bị từ năm 2005 về các điều kiện kinh doanh trứng gia cầm, nên theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TPHCM, những quy định trong Thông tư 34 là sự cụ thể hóa những yêu cầu trước đó của TP về kinh doanh trứng gia cầm.

Tuy vậy, nếu áp dụng theo các điều kiện của Thông tư 34 cũng chỉ có 5/77 cơ sở kinh doanh trứng tại TPHCM đáp ứng được ngay yêu cầu mới. Tại TPHCM, nơi đã có thời gian tổ chức lại việc chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và trứng gia cầm gần 10 năm qua khi triển khai thực hiện chỉ có số ít cơ sở đáp ứng yêu cầu, nếu áp dụng rộng rãi ngay trên cả nước thì không biết sẽ như thế nào?

Vì vậy, Chi cục Thú y TPHCM đang tổng hợp ý kiến của các cơ sở, nếu chưa khả thi sẽ trình UBND TPHCM có ý kiến. Sở NN-PTNT TP Hà Nội cũng đề nghị xem xét lại một số quy định cho phù hợp thực tế. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng, sẽ điều chỉnh, bổ sung, thậm chí gia hạn thời gian thi hành...

Từ việc này khiến nhiều người liên tưởng đến Thông tư 33 trước đó của Bộ NN-PTNT về việc quy định thời gian lưu hành thịt động vật sau khi giết mổ là không quá 8 giờ, cũng sẽ áp dụng vào đầu tháng 9 này đã gặp sự phản ứng khá quyết liệt từ các nơi do tính bất cập.

Có thể nói, việc ra đời của những thông tư trong thời gian gần đây liên quan đến lĩnh vực thú y xuất phát từ những bức xúc về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhưng qua đó cho thấy, không thể nóng vội đưa ra những quy định xa rời thực tế, khó có thể thực hiện.
 

Thông tư 34 quy định, cơ sở thu gom và bảo quản trứng thương phẩm bắt buộc phải có khu bảo quản trứng gồm kho bảo quản, khu xử lý nước thải, ngoài ra, còn phải có khu làm sạch và khử trùng bằng hóa chất, khí ozôn và tia tử ngoại.

Thông tư cũng quy định chi tiết về phương pháp làm sạch trứng như làm sạch, khử trùng phải đảm bảo không làm ô nhiễm bên trong trứng từ vỏ trứng và hoá chất làm sạch, khử trùng. Việc khử trùng trứng phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y về nồng độ, liều lượng và thời gian tiếp xúc của hóa chất, khí hoặc tia chiếu dùng khử trùng trứng. Trứng phải được làm khô sau khi được làm sạch và khử trùng.

Công Phiên
Nguồn: 
sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập166
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại871,637
  • Tổng lượt truy cập90,935,030
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây