Chiều nay (16.11), Bộ NNPTNT đã giới thiệu quyết định thành lập Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo, đồng chủ trì nhóm công tác là Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và công ty Bayer Việt Nam.
Ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) thông tin, Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo sẽ nắm bắt và truyền tải các vấn đề khó khăn trong chuỗi đến các nhà hoạch định chính sách nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cũng như tham mưu, đề xuất chính sách phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Đây cũng sẽ là nhóm nòng cốt các đơn vị huy động các đối tác xây dựng và triển khai các chương trình hoặc dự án thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, nâng cao chất lượng gạo và thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, nhóm sẽ tăng cường tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp, mang đến cơ hội giới thiệu các sản phẩm lúa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng quy trình sản xuất lúa gạo bền vững cho nông dân.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Phát triển các dự án Bayer Việt Nam chia sẻ dự án thí điểm với vai trò Nhóm công tác đối tác Công Tư ngành gạo.
Theo đó, khu vực công trong nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng gạo sẽ gồm Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Trong khi đó, khu vực tư sẽ gồm Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Ngoài ra, nhóm còn có Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cùng tham gia.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) thông tin, các đơn vị thuộc khối công (public partners) trong nhóm sẽ đảm nhiệm xây dựng mục tiêu và định hướng, liên kết với các các trình phát triển trọng điểm quốc gia, hỗ trợ đối tác tư nhân tiếp cận mạng lưới chuyên gia và tổ chức thuộc khu vực công…
Các đối tác công tư sẽ phối hợp giải quyết các vấn đề ngành hàng gạo như sản xuất bền vững, chế biến, tiếp cận thị trường tiêu thụ...
Trong khi đó, các đối tác khối tư (private partners) sẽ đảm nhiệm vai trò xây dựng, triển khai các dự án nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, cung cấp đầu vào và các hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, đảm bảo về mặt thị trường thông qua hợp đồng với các tổ chức nông dân.
“Ban đầu, khối công sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ các bên trong nhóm nhưng dần dần, các doanh nghiệp sẽ tự hợp tác với nhau và với nông dân để điều hành hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo”, ông Tuấn cho biết.
Trong năm 2017, nhóm công tác sẽ thực hiện dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP gồm 1 dự án tại đồng bằng sông Hồng và 3 dự án tại ĐBSCL với quy mô 1.000ha/dự án. Tiếp đó, giai đoạn 2018-2020, phát triển Nhóm công tác PPP ngành hàng Gạo thành Ban điều phối ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo danviet.vn
Đồng thời, sẽ nhân rộng quy mô, diện tích các mô hình thí điểm tại ĐBSH và ĐBSCL, đến năm 2020 mở rộng quy mô các dự án của các doanh nghiệp trong nước và 20.000 hộ nông dân tham gia, thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính và siêu thị thực hiện phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, xây dựng thương hiệu cho 5-10 sản phẩm gạo Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã