Tại hội thảo "Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TP HCM" sáng 21/12, tiến sĩ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận, nguồn vốn cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện nay phần lớn dành cho doanh nghiệp, còn nông dân, người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp gần như bị bỏ ngỏ.
Vì vậy ông Chí đề xuất nên triển khai mô hình "phát hành thẻ tín dụng cho nông dân". Ý tưởng này được ông đúc kết từ các nước mạnh về nông nghiệp như Thái Lan và Ấn Độ.
Theo đó, ngoài những chương trình tín dụng nông nghiệp lãi suất thấp, Thái Lan đã thực hiện một chương trình thẻ tín dụng cho nông dân được triển khai đại trà trên toàn quốc sau khi thí điểm tại 5 tỉnh, thành. Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện chương trình thẻ tín dụng Kisan (Kisan Credit Card) nhằm cung cấp tín dụng ngắn hạn cho người nông dân khá hiệu quả. Trên cơ sở triển khai thẻ tín dụng này, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm mùa vụ mới được tiến hành một cách thuận lợi.
Người nông dân sắp được phát hành thẻ tín dụng trả sau. |
Việc cấp thẻ tín dụng nông dân, ông Chí cho biết, dựa trên các tiêu chí: thông tin về diện tích đất và ước tính về nhu cầu sản phẩm đầu vào (phân bón, giống thuốc trừ sâu…) mà người nông dân đó sẽ sử dụng. Thông tin này dễ dàng được truy cập bất cứ khi nào thẻ được sử dụng để mua hàng hóa tại những nhà phân phối được chấp thuận.
Điều kiện thẻ tín dụng nông dân theo Tiến sĩ Chí được yêu cầu nghiêm ngặt cho người sử dụng như: không được rút tiền mặt và phải có điều kiện để cấp thẻ tín dụng, hạn mức tín dụng. Nếu người nông dân sử dụng thẻ sai mục đích sẽ được liệt vào danh sách đen và không được quyền tham gia vào các chương trình tín dụng này nữa.
Ông Chí cho rằng, thật ra điều này không có gì mới lạ, chỉ là do các ngân hàng Việt Nam chưa quan tâm đến đối tượng nông dân nên đã bỏ ngỏ thời gian dài.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng bán lẻ triển khai thẻ tín dụng cho cán bộ công nhân viên đã đưa ra những ưu đãi như hạn mức cao dựa trên tiền lương và thu nhập của nhân viên, đồng thời hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày phát sinh thanh toán qua thẻ, miễn phí phát hành thẻ tín dụng… Trong khi đó người nông dân cũng có tài sản để canh tác lại không được cấp tín dụng, họ cũng có những thu nhập phát sinh trong mùa vụ, cũng cần mua sản phâm đầu vào phục vụ cho quá trình canh tác…nhưng hiện nay họ lại vô vọng trong việc tiếp cận vốn tín dụng này.
Ông Chí cho rằng việc phát hành thẻ tín dụng nên quy về một đầu mối duy nhất có thể là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất về mảng này). Khi đó, nhà băng sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để tuyệt đối không cho người nông dân rút tiền mặt mà chỉ thanh toán qua hệ thống cửa hàng chấp nhận thẻ.
"Như vậy, bằng việc quy về một mối, mỗi người nông dân chỉ được cấp một thẻ tín dụng duy nhất (được đảm bảo bằng diện tích canh tác, sản phẩm thu vào...) và họ không được sử dụng thẻ để rút tiền mặt để trang trải cuộc sống", ông nói.
Thẻ tín dụng cho nông dân sẽ giúp nguồn vốn ngắn hạn cho người dân sản suất. Ảnh: PV |
Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Ngọc Bảo Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, đây là một mô hình hay và có tính thực tiễn cao, lại đúng với định hướng phát triển không dùng tiền mặt của Nhà nước. Muốn triển khai, Agribank sẽ bắt tay xây dựng mạng lưới các cửa hàng chấp nhận thẻ (POS) ở địa bàn nông thôn. "Có thể, ngay trong năm 2013, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai mô hình này", ông Bảo nói.
Ông Bảo cũng cho biết thêm, năm tới sẽ tiến hành điều tra kinh tế xã hội của từng xã, nắm chắc kinh tế của hộ nông dân để xác định hộ có điều kiện tốt được vay vốn. Ngoài ra, những trang trại, Hợp tác xã... theo ông sẽ được coi như một doanh nghiệp lớn và phục vụ chuyên nghiệp.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động xấu, gặp không ít khó khăn, song lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đóng góp lớn về xuất khẩu.
Theo bà Hồng, mặc dù tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cơ cấu GDP của TP HCM năm 2012 còn khá thấp, chỉ 1,2% nhưng đây được xác định là một trong những ngành trọng điểm. Đến nay, bà Hồng cho biết, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này trên địa bàn thành phố đạt hơn 16.585 tỷ đồng, tăng 35,9% so với cuối năm ngoái.
Lệ Ch
Theo VnExpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã