Học tập đạo đức HCM

Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng: 'Tôi thương người nông dân Việt Nam'

Chủ nhật - 24/01/2016 19:35
Qua cách trò chuyện dí dỏm và nhẹ nhàng của tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, những câu chuyện về nông nghiệp trở nên thú vị và hấp dẫn lạ thường. Nụ cười sảng khoái trên môi vị tiến sĩ này cũng khiến người đối diện như bị “lây” cả sự lạc quan của ông.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng là một nhà nghiên cứu nông học xuất sắc tại Úc, có nhiều kinh nghiệm phát triển các loại rau quả Á Đông. Trong hơn sáu mươi năm cuộc đời, ông đã từng có những lựa chọn “không giống ai”. Chẳng hạn như quyết định chọn nông nghiệp – một ngành ít ai muốn học – là ngành tu nghiệp và theo đuổi cả đời, hay quyết định trở về Việt Nam sau gần 30 năm an cư và có một sự nghiệp được nể trọng tại Úc. 
 
"Tôi luôn nhìn mọi sự việc ở mặt tích cực nên trong mọi hoàn cảnh, tôi đều có thể sống vui vẻ, yêu đời. Tôi cũng không đặt kỳ vọng quá nhiều vào điều gì nên thực tế không làm tôi thất vọng hay hụt hẫng. Có lẽ do trong tôi cũng có chút thơ của một người con xứ Huế, nên tôi nhìn đời nhẹ nhàng và lãng mạn. Trước khi trở về Việt Nam, tôi không kỳ vọng về một cuộc sống an nhàn với nhà lầu, xe hơi. Tôi cũng không hy vọng mọi đề xuất và đóng góp của mình đối với ngành nông nghiệp được trả công. Tôi chỉ mong muốn có thể góp một phần trí lực vào nền nông nghiệp quốc gia và sự phát triển giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục bậc đại học", ông chia sẻ. 
 
Tuy không học ngành sư phạm nhưng ông lại gắn bó với nghề giáo nhiều năm, dạy học có phải là một nghề thú vị?
 
- Nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ truyền kiến thức cho những người trẻ mà quan trọng hơn là truyền cho họ kinh nghiệm sống, niềm khát khao được làm việc cùng sinh viên và đóng góp cho sự trưởng thành của họ… Điều này tôi cảm thấy rất thú vị nhưng không đơn giản. Tôi may mắn được học tập, nghiên cứu và làm việc ở các nước phát triển như Nhật, Úc, Mỹ nên tôi nghĩ mình có một chút “vốn” để truyền lại cho sinh viên.
 
Vì sao ông không trở về ngay sau khi làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Nhật mà phải đợi đến năm 2007?
 
- Tôi đã từng trở về sau khi tu nghiệp ở Nhật vào năm 1979, nhưng tại thời điểm ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng: “Hãy ở nước ngoài để giúp đất nước nhiều hơn”. Tôi nhận thấy điều này là đúng nên trở lại Nhật rồi sang Úc. Mãi đến năm 2007, ý nguyện của tôi mới trở thành hiện thực, tôi về làm chuyên gia cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Rau quả và cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho rau quả tươi, chè búp tươi… để bà con nông dân sản xuất các loại rau sạch cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Nhật Bản cũng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, sao ông không ở lại phát triển sự nghiệp ở đất nước mặt trời mọc mà lại sang Úc?
 
- Thời đó Chính phủ Nhật chưa có chính sách thu dụng người nước ngoài làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tôi vốn rất đam mê nghiên cứu nhưng lại không muốn làm việc cho các hãng tư nhân. Cùng thời điểm đó, Chính phủ Úc lại đang thực hiện chính sách di dân, thu hút chất xám đến xứ sở này định cư. Vì vậy, tôi quyết định sang Úc và được nhận ngay vào làm việc tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales với vai trò là chuyên viên nghiên cứu và phát triển và tạo giống rau quả, chủ yếu về rau quả châu Á như cà chua, dưa leo, xà lách và trà xanh Nhật Bản.
 
Đang sống ở một nước Úc nơi có nền nông nghiệp phát triển trở về Việt Nam, ông có cảm thấy thất vọng?
 
- Không đâu, như đã nói, tôi vốn là người lạc quan. Hơn nữa, gần 40 năm sống ở nước ngoài, nay được trở về làm việc trên quê hương, đóng góp cho sự tiến bộ của đất nước là hạnh phúc rồi. Vả lại, tôi thương người nông dân Việt Nam.
 
Theo cách nhìn của tôi, họ chưa được xã hội tôn trọng như vai trò cao quý vốn có của họ. Ở Nhật, người nông dân rất “sướng” và luôn được xã hội kính trọng vì nông dân là người làm nên “cơm áo” cho toàn xã hội. Giới nông dân Nhật có thu nhập rất cao và đây là nguồn tài chính dồi dào để họ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Ở Úc, người nông dân còn “sướng” hơn nữa vì được chính phủ hỗ trợ sản xuất và được các chuyên gia nông học nể trọng. Thậm chí nghề nông còn được lớp trẻ yêu quý hơn cả nghề… làm thủ tướng!
 
Còn ở Việt Nam, hiếm người thích học nông nghiệp, không ai muốn làm nông dân. Một số chương trình tưởng chừng tôn vinh người nông dân lại càng khiến hình ảnh của họ trở nên xấu xí. Trong một chương trình truyền hình khá phổ biến, cả gia đình phải than nghèo kể khổ, khóc lóc thảm thiết để đánh động sự thương tâm của mọi người, trước sự chứng kiến của rất đông người cùng làng để được tặng hai con bò. Trong một chương trình khác, nông dân bị gọi là “Hai lúa” và việc họ chế tạo máy móc được xem là điều không tưởng.
 
Nông dân vốn không phải là những người bé mọn như vậy. Họ là những anh hùng vô danh, có khả năng “biến sỏi đá thành cơm” cho cả một dân tộc. Từ đời này qua đời khác, họ bám đất bám làng xây dựng nông thôn thành nơi sản xuất nông sản và là nơi bảo vệ môi trường đất, nước, bảo vệ hệ sinh thái và động thực vật hoang dã.
 
Vì vậy ở Úc, chuyện một nông dân chế tạo máy móc là điều rất đỗi bình thường vì họ là người làm việc trực tiếp trên đồng ruộng, hiểu rõ về công dụng các loại máy móc cần thiết cho công việc của mình. Nên nhớ rằng, 40%nông dân Úc có bằng đại học, không ít người trong số đó là tiến sĩ. Đại học Nông nghiệp do Chính phủ Úc xây dựng là nơi đào tạo nông dân hoặc những ai muốn làm việc hiệu quả trong ngành nông nghiệp chứ không phải là nơi đào tạo người làm quan!
 
Để người nông dân Việt Nam được tôn trọng hơn từ xã hội thì cần bắt đầu từ đâu, theo ông?
 
Theo tôi, chúng ta cần thay đổi tư duy bắt đầu từ giáo dục. Ngay từ nhỏ, trẻ em cần được dạy rằng nông dân là người làm ra hạt gạo cho chúng ta ăn mỗi ngày. Vĩ mô hơn, nông dân là những người đảm bảo cho 25% đóng góp cho GDP hằng năm. Nếu cha mẹ cứ dạy con: “Không học thì lớn lên đi cày”, hoặc những người làm công việc trồng trọt, chăn nuôi cứ bị gọi là “bần nông” thì tư duy coi khinh nông nghiệp sẽ còn tồn tại mãi.
 
Tuy nhiên, để có được sự tôn trọng thật sự, bản thân nông dân cũng phải tự vươn lên để làm giàu và bảo vệ thương hiệu nghề nông của mình. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thích hợp, nhất là ở cấp độ làng, xã và đặc biệt là phải chấp nhận việc nông dân giàu là xứng đáng.
 
Từ khi ông đưa quy trình VietGAP về nước, thay đổi tận gốc rễ lề lối sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đến nay việc ứng dụng quy trình trồng rau quả sạch trong nông nghiệp đã đạt được một số thành quả nhất định. Theo đánh giá của ông thì ngành nông nghiệp Việt Nam đã đủ mạnh để đón cơ hội mở cửa hội nhập chưa?
 
- Hãy khoan nói về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trước hết chúng ta hãy cùng nhìn về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
 
Khi tham gia AEC, Việt Nam sẽ cùng 10 nước ASEAN có tiềm lực kinh tế không quá chênh lệch sẽ cùng mở cửa, liệu đó có phải là cơ hội cho xuất khẩu nông sản? Tôi cho rằng chúng ta phải đối mặt với thách thức nhiều hơn cơ hội, thậm chí có thể sẽ chết ngay trên sân nhà. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế, đừng nên ảo tưởng về những cơ hội. Việt Nam luôn tự hào là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ bằng từ 60 – 65% giá nông sản thế giới, vì sao?
 
Phải chăng là do an toàn vệ sinh thực phẩm – một vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của nông sản xuất khẩu nước ta?
 
- Đó là một lý do khiến nông sản nước ta không được mua với giá cao. Chỉ tính riêng năm ngoái, nước ta nhập đến 116.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thử chia đều cho dân số thì mỗi người Việt Nam đưa vào người khoảng1,2kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm!
 
Nông dân thì phun xịt theo kinh nghiệm là chủ yếu và không từ bỏ thói quen phun xịt đến sát thời điểm thu hoạch để cây trái không nhiễm sâu bệnh. Chúng ta hay trách Nhà nước sao không kiểm soát vấn đề này một cách gắt gao. Nhưng lỗi lớn nhất vẫn xuất phát từ những cá thể nông dân kém hiểu biết đang tự giết mình và giết cả dân tộc.
 
Nguyên nhân thứ hai là do nông sản Việt Nam thiếu thương hiệu. Trái cây nước ta như sầu riêng, xoài cát… rất ngon nhưng không có thương hiệu quốc tế. Tệ hơn là cách bán hàng mất uy tín, thật giả lẫn lộn khiến cho người dân trong nước còn không tin tưởng, khó trách người mua nước ngoài quay lưng.
 
Trên thế giới thị trường nhập khẩu rau, hoa quả có giá trị lớn gấp bảy lần so với thị trường gạo. Nhưng Việt Nam lại chú trọng quá nhiều vào lúa gạo cũng khiến nông nghiệp nước ta không thể khai thác hiệu quả nguồn lợi từ thị trường quốc tế dành cho một số nông sản khác, đặc biệt là rau củ quả. Việc chưa có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường thế giới khiến chúng ta bỏ phí đi một lợi thế lớn của đất nước.
 
Việt Nam chưa hẳn là nước mạnh về xuất khẩu trái cây nhưng chúng ta tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ3 trên thế giới với sản lượng 45 triệu tấn gạo mỗi năm…
 
Nhưng thực tế giá xuất khẩu gạo cũng như cà phê, cao su, hạt điều… của Việt Nam chỉ bằng khoảng 65% giá nông sản thế giới vì chúng ta chỉ xuất khẩu thô là chủ yếu. Mà “thô” không chỉ là sản phẩm tự nhiên, chưa qua chế biến mà còn là sản phẩm kém chất lượng và không đồng nhất nên giá trị giảm sút đáng kể.
 
Nói riêng về mặt hàng lúa gạo, nông dân biết chọn giống năng suất cao, kỹ thuật trồng rất tốt, nhưng sau khi thu hoạch thì phơi ngay trên đồng ruộng hoặc trên mặt đường nhựa khiến cho hạt lúa ở tầng trên và tầng dưới không cùng nhiệt độ. Do phơi theo kiểu tự nhiên nên mỗi ruộng lúa có thể phải chịu phơi mưa, phơi nắng nhiều lần mới khô hẳn, khó mà đạt yêu cầu về chất lượng. Cà phê cũng phơi sấy tự nhiên như vậy, thậm chí phơi ở những nơi lấm lem đất cát, súc vật giẫm đạp, phóng uế… rất mất vệ sinh.
 
Giai đoạn còn là Trưởng dự án Nâng cao chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu, tôi có dịp đưa các doanh nhân người Mỹ, Sri Lanka, Pakistan… đến các vùng sản xuất chè trên khắp cả nước. Họ “chê” sản phẩm chè nước ta tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều và nặng mùi khói. Nguyên nhân là do các hộ gia đình tự sấy bằng bếp củi, phơi trên nong ngay tại nơi sấy nên lá chè hút khói bếp rất nhiều. Chất lượng như vậy thì làm sao bán được với giá cao, làm sao cạnh tranh được với chè của các nước khác?
 
Hiện nay, mỗi hộ gia đình thường canh tác trên những khu đất rộng vài trăm mét vuông nên rất khó cải thiện về kỹ thuật sau thu hoạch, việc đầu tư những chiếc máy phơi sấy cũng rất khó thực hiện theo từng hộ lẻ?
 
- Chính vì vậy theo tôi, chúng ta phải chấm dứt tình trạng canh tác manh mún này bằng cách thành lập doanh nghiệp hợp tác xã, từ đó xây dựng chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh.
 
Phải chăng ông đang đề cập đến Liên hiệp Hợp tác xã ở An Giang hay mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai?
 
- Ở hai mô hình hợp tác xã trên, nông dân vẫn là người làm thuê. Mô hình tôi nói đến là hợp tác xã kiểu mới của nông dân, do nông dân thành lập, việc điều hành được giao cho một ban giám đốc có đầy đủ kỹ năng về quản lý, kinh doanh. Mô hình này thật sự giúp nông dân tổ chức tốt và quản lý hiệu quả dây chuyền sản xuất.
 
Chúng ta có thể học tập Hiệp hội Người trồng lúa Úc, đại diện cho trên 1.500 hội viên tự nguyện chỉ với100.000ha diện tích trồng lúa, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm mà thu nhập lên tới 1,15 tỉ USD nhờ Công ty Sun Rice, một trong năm công ty về lúa gạo lớn nhất thế giới do Hiệp hội thành lập. Hiệp hội đã hướng dẫn chính xác trong tính toán cung – cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nên nông dân Úc không phải “chạy” theo đuôi thị trường, cũng không cần phải làm việc với thương lái.
 
Ở Việt Nam, nông dân mỗi tỉnh có thể thành lập một doanh nghiệp hợp tác xã có quy mô lớn cho ngành của mình. Lợi nhuận thu được từ doanh nghiệp là của nông dân vì họ là chủ nhân của hợp tác xã.
 
Vậy làm sao để hợp tác xã kinh doanh tốt?
 
- Hợp tác xã doanh nghiệp kinh doanh tốt nhờ đội ngũ quản lý và kỹ thuật giỏi được thuê từ bên ngoài. Người nông dân chỉ việc canh tác theo kỹ thuật được hướng dẫn một cách khoa học và đồng bộ. Từ hợp tác xã quy mô lớn mới có thể ứng dụng khoa học công nghệ, đưa VietGAP vào sản xuất, xây dựng chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh (giống, gieo trồng, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, bao bì, giao thông, tiêu thụ) phải làm trọn vẹn từng khâu và ở đó, những người tham gia chuỗi giá trị phải được đảm bảo hài hòa lợi ích.
 
Trong số hơn 90 triệu người Việt Nam có đến gần 60% dân số trực tiếp và gián tiếp làm nông nghiệp. Với một nước định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, chỉ nên có 30% người tham gia ngành nông nghiệp, gần 30% còn lại nên chuyển dịch sang chế biến nông sản, một thị trường rất rộng lớn đang bị bỏ ngỏ. Mỗi năm, các nước ASEAN nhập khẩu khoảng 2 tỉ USD rau củ chế biến giản đơn như cà rốt, đậu bắp, bí ngô, cải bó xôi luộc chín, cắt nhỏ, đóng gói.
 
Chúng ta chưa tận dụng được thị trường này vì không chú trọng đến chuỗi ngành hàng sau thu hoạch. Nếu cơ sở nông sản chế biến được xây dựng ở nông thôn, ngay ở vùng nguyên liệu, cung cấp công ăn việc làm cho nông thôn, chắc chắn sẽ ngăn chặn được làm sóng di cư của công nhân trẻ từ nông thôn lên thành thị như hiện nay.
 
Qua cách ông phân tích có thể thấy rằng muốn đón đầu cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp phải thay đổi cách làm chứ không phải nhà nước?
 
- Tôi nghĩ là cả hai. Nhưng quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp tự ý thức xây dựng thương hiệu, chọn cách kinh doanh uy tín, xây dựng chuỗi ngành hàng, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất… để khi đất nước mở cửa cho sự xâm nhập của những “ông lớn” như: Nhật, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand… sau TPP, chúng ta không bị thua cả trên sân nhà lẫn sân khách.
 
Vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng không kém phần quan trọng, nhất là trong việc hỗ trợ về cước phí cho xuất khẩu. Phí vận chuyển quá cao khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế chật vật. Thời gian gần đây, nhiều thị trường “khó tính” đang dần mở cửa cho một số trái cây tươi Việt Nam, đây là cơ hội song xuất khẩu vẫn còn rất “nan giải” do cước phí vận chuyển quá cao.
 
Nếu tính luôn các chi phí vận chuyển trong nước trước khi đưa một số mặt hàng trái cây theo đường hàng không thì cước phí chiếm đến 52% giá thành sản phẩm. Hiện nay, giá để ký gửi hàng mẫu sang Úc từ Việt Nam phải trả 2,95 USD/kg, trong khi từ Úc gửi sang Nhật chỉ bằng một nửa mà chiều dài đường đi gần gấp đôi.
 
Chính phủ cũng cần có chủ trương giao việc cho nông dân, xem họ là thành phần chủ quản. Vì nông dân là chủ thể của nông thôn nên thành phần này cần được chính phủ chú trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ về khoa học và công nghệ. Từ đó, họ sẽ cố gắng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững có lợi cho ngành và toàn xã hội.
 
Ngoài ra, chính phủ cần áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn, khuyến khích phát triển các khu chế biến ngay ở nông thôn, tăng cường xây dựng bệnh viện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là giải pháp cho vấn đề thanh niên bỏ nông thôn lên thành thị và nạn kẹt xe ở thành phố.
 
Xem ra ông còn rất nhiều tâm huyết dành cho nông nghiệp Việt Nam. Có lẽ ông sẽ còn gắn bó với quê hương lâu dài?
 
Tôi sẽ vẫn tham gia giảng dạy hoặc những dự án, diễn đàn phát triển nông nghiệp nhưng có lẽ sẽ không thể định cư ở quê hương vì còn nhiều dự án đang chờ tôi tham gia ở Nhật và Úc. Một trong những dự án mà tôi đang rất hào hứng là hợp tác với Nhật để phát triển công nghệ ngành trồng và giống nấm cho Việt Nam.
 
Nếu thành công, Nhật sẽ cung cấp giống và chuyển giao công nghệ về ngành nấm cho nước ta. Dự án thành công sẽ biến Việt Nam thành một trong những nước cung cấp nấm trong nước và cả thế giới.
 
Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị. Chúc ông thành công với dự án sắp tới. 
 
Xuân Lộc/ DNSGCT

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập412
  • Hôm nay60,548
  • Tháng hiện tại765,661
  • Tổng lượt truy cập90,829,054
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây