Học tập đạo đức HCM

Trăn trở nghề chiếu Nam Sơn

Thứ năm - 26/07/2012 03:33
Trải qua hàng trăm năm, mặc cho những tác động của đời sống hiện đại với những sản phẩm mang tính công nghiệp, sang trọng… có một làng nghề dẫu không còn phát triển như trước nhưng vẫn âm thầm tồn tại trong đời sống và giúp người nông dân kiếm thêm thu nhập trong buổi nông nhàn. Đó là nghề dệt chiếu cói Nam Sơn (thị trấn Can Lộc)

 

Trăn trở nghề chiếu Nam Sơn

Làng chiếu Nam Sơn vốn nổi tiếng từ xa xưa với những sản phẩm chất lượng. Những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, chiếu lễ hội sân đình được dệt nên từ đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn của những người thợ Nam Sơn đã từng có mặt khắp chợ tỉnh, chợ quê. Cho đến tận bây giờ vẫn không ai có thể chắc chắn nghề chiếu xuất hiện ở Nam Sơn từ bao giờ, chỉ biết là nó đã tồn tại ngót nghét trăm năm nay. Nghề dệt chiếu xem qua tưởng như đơn giản nhưng nó cũng đòi hỏi người đan những kỹ năng nhất định và sự sáng tạo phong phú. Từ khâu làm dây trân cũng đòi hỏi sự cầu kỳ mới có được sự bền, chắc. Người dệt chiếu thường trồng thêm cây đay trong vườn để bóc lấy vỏ, xé sợi và đánh lên làm dây trân. Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn cói. Mỗi lần cắt cói người thợ phải tinh để chọn được những cây không non quá cũng không quá già để khi dệt sợi chiếu có độ mềm vừa phải. Kỹ thuật phơi cũng phải chọn thời điểm nắng để phơi sao cho thật khô và trắng rồi mới đem rũ mo, phơi tiếp một nắng nữa rồi phân loại dài ngắn. Chính vì thế chiếu Nam Sơn luôn có màu vàng mơ, sáng đẹp. Trong kỹ thuật dệt chiếu ngày xưa còn có kỹ thuật cải hoa làm cho chiếu đẹp và hấp dẫn người mua, đáp ứng các mục đích sử dụng khác nhau như cưới, lễ ... Muốn vậy người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay phải chính xác, thuộc từng nốt cải để chiếu đan không bị lỗi. Bên cạnh đó người lao cói phải nhanh, tạo được sự nhịp nhàng với người dệt. Chính vì lẽ đó bạn cùng làm đôi khi không phải là người trong một nhà mà là những đôi bạn thân.

Trăn trở nghề chiếu Nam Sơn
Dệt chiếu vẫn là công việc hàng ngày của những người già trong làng

Về làng chiếu Nam Sơn độ này thấy cây cói được phơi khắp ngõ xóm. Bà Lương Thị Hồng (khối 3) cho biết: “Hiện nay cói ở Can Lộc không nhiều nữa nên chị em chúng tôi thường rủ nhau đến các vùng khác như Cẩm Xuyên, Kỳ Anh để cắt cói, có khi phải đi đến vài ba ngày mới cắt được mấy bó cói. Nhiều khi cực quá cũng không muốn làm nữa nhưng mình không làm thì đến thế hệ sau cũng coi như làng mất nghề truyền thống”. Cũng vì tấm lòng với nghề ấy nên đến nay làng chiếu Nam Sơn vẫn có hơn 300 hộ làm nghề. Làng Nam Sơn vẫn là nơi cung cấp chiếu cói nhiều nhất cho thị trường chiếu cói Hà Tĩnh hiện nay. Mặc dù không cạnh tranh được với những sản phẩm công nghiệp như chiếu trúc, chiếu tre nhưng ít nhiều chiếu cói vẫn có lượng khách hàng riêng của mình vì thế các hộ dân nơi đây hầu như nhà nào cũng có ít nhất một khung dệt chiếu. Khung dệt chiếu rất đơn giản, chỉ là mấy cọc gỗ đóng ở 2 đầu theo kích thước định sẵn, thường có chiều rộng 0,8 – 1,6m, dài từ 1.8 – 2m. Mỗi lần dệt chiếu người thợ sẽ căng dây trân vào go để lên khung lên rồi một người lao cói, một người dập. Công đoạn dệt khá đơn giản nên trẻ em ở làng Nam Sơn đứa nào cũng mới tý tuổi đầu đã biết dệt chiếu rồi. Hiện nay, ở làng chiếu Nam Sơn có những người thợ có thâm niên dệt chiếu bảy, tám chục năm và cũng có cả những đứa trẻ mới có vài ba năm tập tọng. Đó là sự tiếp nối quý giá để nghề truyền thống của làng không bị mai một. Nhưng làm thế nào để nâng cấp chất lượng sản phẩm lên, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay lại là một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Nếu như trước đây sản phẩm chiếu Nam Sơn có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm chiếu nổi tiếng ở vùng khác như Nga Sơn (Thanh Hóa) hay Kim Sơn (Ninh Bình) về độ bền, sáng và dày dặn thì ngày nay sức cạnh tranh đã giảm xuống rất nhiều bởi thợ chiếu các vùng khác đã nhạy bén hơn với kỹ thuật dệt bằng máy, nhanh hơn và đẹp hơn làm thủ công. Trong khi chiếu Nam Sơn vẫn trung thành kỹ thuật truyền thống và đơn giản hơn trong mẫu mã (hầu như chiếu Nam Sơn ngày nay không còn cải hoa nữa mà chỉ độc một màu cói) thì chiếu ở các vùng khác lại đa dạng hơn về mẫu mã, phong phú hơn về chủng loại, đáp ứng được sự phân cấp của thị trường.

Trăn trở nghề chiếu Nam Sơn
Cói nguyên liệu được phơi đầy ngõ làng Nam Sơn

Chính vì thế nên ngày nay ở Nam Sơn nghề dệt chiếu cói chỉ là nghề phụ. Dệt chiếu không đòi hỏi nhiều về sức khoẻ nên không kể già trẻ gái trai, ai cũng có thể làm được và những sản phẩm ấy đã góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân những khi mùa vụ rảnh rang. Một người thợ giỏi mỗi ngày có thể dệt được 4 chiếc chiếu và tuỳ theo thời kỳ mà định giá cả nhưng nghề dệt chiếu cũng mang lại một khoản thu kha khá đối với những người nông dân chân lấm tay bùn. Bà Hồng cho biết: “chúng tôi cũng muốn được giúp đỡ đầu tư máy móc, kỹ thuật để nâng cấp sản phẩm của mình nhưng điều này chính quyền địa phương chưa có chủ trương thì cũng đành làm theo truyền thống thôi”.

Tuy hiệu quả kinh tế không thật sự cao nhưng với tâm tư muốn giữ lửa cho làng nghề, mỗi ngày làng Nam Sơn vẫn nhịp nhàng trong tiếng dệt chiếu lách cách. Làm thế nào để sản phẩm chiếu Nam Sơn trở lại với thị trường bằng sức hấp dẫn như đã có từ xưa, làm thế nào để người dân Nam Sơn lại coi nghề dệt chiếu là nghề chính… là những băn khoăn chung của chính những người dệt chiếu và đó cũng chính là câu hỏi đang đi tìm câu trả lời từ phía chính quyền địa phương.

Anh Hoài
Nguồn baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay60,511
  • Tháng hiện tại857,209
  • Tổng lượt truy cập90,920,602
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây