Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) mà hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là bà con nông dân miền núi, người dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã thoát nghèo bền vững.
Điểm tựa vững chắc
Thực hiện Nghị định 78 về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn gồm: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...
Anh Hà Quang Diện (xã Cát Thịnh (Văn Chấn) vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Ảnh: N.Q
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2017 trong số dư nợ 2.531 tỷ đồng thì có 64% dành phục vụ đồng bào DTTS. Sau gần 16 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp phần không nhỏ vào giảm nghèo trên 4%/năm của tỉnh Yên Bái. |
Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của vợ chồng anh Hà Quang Diện ở thôn Vực Tuần 1, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, chúng tôi được anh cho biết: “Năm 2008, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng diện hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Nhờ có nguồn vốn chính sách, qua nhiều lần vay và trả nợ, năm 2013 gia đình tôi thoát nghèo”. Hiện tại, cơ ngơi của gia đình anh Diện có 1 xưởng gỗ bóc, 13 con bò, 5ha rừng cùng 1cửa hàng tạp hóa mang lại thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm. Gia đình anh đã thoát nghèo, xây nhà mới khang trang, nuôi con ăn học đầy đủ.
Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải chia sẻ, Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo nhất nước. Toàn huyện có dân số gần 54.300 người thuộc 12 dân tộc, trong đó người dân tộc Mông chiếm trên 91%; trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều người trong đối tượng vay vốn không biết chữ, việc tìm kiếm và “đào tạo” các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) hết sức khó khăn; địa bàn cách trở, dân cư không tập trung. Từ khi có nguồn vốn Ngân hàng CSXH cho vay phát triển sản xuất, chăn nuôi đã giúp cho hàng ngàn bà con DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Phát huy hiệu quả vốn vay
Theo ông Trần Quang Sơn - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái, hết năm 2017 tổng nguồn vốn chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện là trên 2.500 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác dưới sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh đã làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng ưu đãi trên địa bàn Yên Bái đến hết năm 2017 chỉ còn 0,12% trên tổng dư nợ.
Ông Sơn cho biết thêm, bên cạnh việc cho vay, Ngân hàng CSXH đã phối hợp tốt với các sở, ban ngành của tỉnh để chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp cho hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn để bà con sử dụng đồng vốn có hiệu quả...
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã