Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là tiền đề cho phát triển sản xuất - Ảnh Hồng Quân |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực hiện được 8 năm. Đến tháng 7/2018, cả nước có 3.370 xã (chiếm 37,76% tổng số xã của cả nước) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Kết quả là bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất mới đem lại thu nhập cao, đời sống nhân dân nông thôn được cải thiện.
Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 1.922 xã chưa đạt đủ tiêu chí nông thôn mới, trong số đó có khoảng 363 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt. Những tiêu chí chưa đạt hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn như: giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường.
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và miền núi báo cáo, mới chỉ có 30 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 còn gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, chưa đồng bộ, đến nay mới chỉ có đường giao thông, các công trình hạ tầng quan trọng chủ yếu mới được đầu tư xây dựng ở các khu vực trung tâm xã, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá, tập trung và phục vụ nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân.
Một số công trình hạ tầng xã hội (nhà văn hoá xã, trạm y tế, trường lớp học, nước sinh hoạt ...) đã được đầu tư nhưng mới dừng lại ở cấp xã, chưa tới được đầy đủ các thôn, bản trong khi đây mới là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào....
Nói về những hạn chế của chương trình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí, nhưng đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều.
Vốn đầu tư từ ngân sách hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã, nhưng do thiếu vốn nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang nên không thể đưa vào sử dụng và phục vụ nhu cầu của người dân.
“Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh, vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.
Hiện nay, thu nhập của người dân còn rất thấp, nhiều xã chỉ đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân cả nước, thiếu mô hình sản xuất bền vững, chưa phát huy được nội lực và điều kiện đặc thù tại chỗ, thiếu tính kết nối thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi.
Nguồn lực đầu tư hạn chế, địa bàn các xã khó khăn các xã vùng sâu trải rộng lại ở những địa bàn sâu, địa hình chia cắt phức tạp, đi lại khó khăn… chính là yếu tố khó khăn nhất trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng, cũng đã có những tỉnh có cách làm sáng tạo và đạt kết quả khá tốt như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Các tỉnh này đã chuyển hướng, thay vì đầu tư để hình thành các xã nông thôn mới ở vùng cao, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới, trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình ở các bản, ấp. Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành được bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, bản nông thôn mới.
Từ thực tiễn của địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.
Đề án sẽ có nguồn vốn 1.400 tỷ đồng trích từ 10% vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ cho khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh.
Mục tiêu của Đề án trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3-4% bình quân hàng năm, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6-1,8 lần so với năm 2015.
Các thôn, bản, ấp đạt được các mục tiêu: Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm; cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; phấn đấu 50% thôn, bản ấp trong phạm vi Đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Hội nghị toàn quốc Xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững là một trong 3 Hội nghị quan trọng của Ban Chỉ đạo trong năm nay, tập trung vào những vấn đề then chốt trong xây dựng nông thôn mới từ nay tới năm 2020. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã