Không phải ngẫu nhiên, huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) lựa chọn cánh hoa vàng của cây dược liệu trà hoa vàng là biểu tượng nhận diện địa phương. Bởi những giá trị kinh tế, an sinh xã hội và giảm nghèo từ cây trồng này đem lại cho người dân là vô cùng lớn.
Nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành tỷ phú, hỗ trợ nhiều nông dân khác vươn lên làm giàu từ cây dược liệu này.
Trà hoa vàng là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, bên các khe, lạch ở Ba Chẽ. Trước đây, bà con đi rừng, đào cây về bán cho các thương lái qua các vùng biên với giá giao động lên tới khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cây.
Song, thương lái không chỉ mua hoa mà mua cả cây, trà hoa vàng tự nhiên cứ thế ngày một ít đi và có nguy cơ biến mất. Nhiều gian thương oái oăm, chỉ thu mua gốc, rễ khiến loài cây này ở Ba Chẽ dần trở thành thứ hàng hiếm.
Từ cây rừng mọc dại, có nguy cơ cạn kiệt, trà hoa vàng dần được khôi phục trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Với giá bán lên tới 15 triệu đồng/kg hoa khô, loài hoa này được ví là quý như vàng, đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng.
Người tiên phong phải kể đến ông Nịnh Văn Trắng, thôn Bác Xa, xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ). Đến nay, người đàn ông này đã làm chủ kỹ thuật trồng, hoàn thiện quy trình sản xuất sấy để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính.
Trà hoa vàng Ba Chẽ giờ đây đã trở thành sản phẩm được chứng nhận 5 sao, chứng nhận cao nhất trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang bước vững chắc, với một chiến lược cụ thể, để trở thành sản phẩm OCOP quốc gia, được thị trường Nhật Bản ưa chuộng với giá bán thành phẩm trên 20 triệu đồng/kg.
Nghề trồng trà hoa vàng là nghề mới, có tuổi đời còn non trẻ tại Quảng Ninh, song lại đang chứng kiến sự phát triển thăng hoa chưa từng có. Hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tin tưởng rằng nghề trồng cây dược liệu này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, là nền tảng để Ba Chẽ phát triển cả công nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ cho hay: Khi cây trà hoa vàng được huyện nghiên cứu, làm bật các giá trị về dược liệu, nhận thấy đây là một loại cây tốt cho sức khỏe, ông đã bắt đầu tìm hiểu và phát triển loại cây này.
Được sự giúp đỡ chính quyền địa phương, ông đã đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để chế biến trà hoa vàng theo hướng thành phẩm chất lượng cao bằng phương pháp sấy lạnh, hút chân không; đồng thời đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch cho sản phẩm này.
Sản phẩm trà hoa vàng còn được chế biến sâu nhờ áp dụng KH-CN để tạo các thành phẩm, như lá trà khô, hoa trà khô, trà túi nhúng... Việc làm này không chỉ giúp nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, mà còn cả hiệu suất chế biến, ngày càng khẳng định được thương hiệu nổi tiếng của nông sản Quảng Ninh.
Theo Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao của Bộ Y tế, ở Ba Chẽ có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao, như: Ba kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm... Tuy nhiên, diện tích nguồn dược liệu khai thác tự nhiên hiện chưa có đánh giá cụ thể, do các loài dược liệu mọc tự nhiên chủ yếu trên đất lâm nghiệp và được khai thác phục vụ yêu cầu của thị trường.
Năm 2020, Ba Chẽ đã trồng 27,34 ha dược liệu, trong đó, trà hoa vàng chiếm 20,2 ha, ba kích tím 6,1 ha, dược liệu khác chỉ vỏn vẹn 1 ha. Hiện tổng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện Ba Chẽ là 161,4 ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Một trong những khó khăn là chi phí đầu tư ban đầu trồng cây dược liệu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật một cách bài bản, nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư và có tư duy làm ăn kinh tế. Trong khi, nguồn lực này còn thiếu.
Để khắc phục những khó khăn này, đưa cây dược liệu thành thế mạnh kinh tế, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và triển khai đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, trồng mới hơn 500 ha cây dược liệu.
Trong đó, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực của địa phương gồm: Trà hoa vàng, ba kích tím, đẳng sâm, cát sâm..., xây dựng các vùng trồng cây dược liệu lâu dài, tạo sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững và hiệu quả.
Có thể thấy, mặc dù nhiều cây dược liệu quý ở Ba Chẽ có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn khá cẩn trọng khi đầu tư trồng bởi nhiều lý do. Ví dụ cây trà hoa vàng, nhiều người dân địa phương ở huyện Ba Chẽ cho rằng, phải mất hơn 2 năm mới có thể nhân được giống cây trà hoa vàng và cần thêm ít nhất 3 năm để cây ra hoa. Đây là khoảng thời gian khá dài, cần sự đầu tư, trường vốn...
Bên cạnh đó, hầu hết các loại dược liệu đã được trồng hiện nay đều do người dân tự nhân giống, các kỹ thuật về nhân giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại... đa số mới chỉ ở bước thử nghiệm, do người dân tự mày mò, chưa có những nghiên cứu bài bản nên người trồng rất mơ hồ...
Đơn cử như cây cát sâm, huyện Ba Chẽ mới đưa vào thử nghiệm trồng từ năm 2019, đến nay chưa thể đánh giá bất kỳ tiềm năng nào ngoài những tính năng sơ bộ được lược kê trong sách vở hay những đánh giá khách quan, khoa học về sự phù hợp, khả năng nhân rộng...
Những nghiên cứu sâu về tính đa dạng của giống, công tác bảo tồn, cũng như quy trình sản xuất giống đảm bảo chất lượng, quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... do đó hiện đang là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, bà Đinh Thị Vỹ cho biết: Để triển khai đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và phân vùng diện tích cây dược liệu. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng đặc biệt cho các giải pháp về giống, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ...
Năm 2020, Ba Chẽ đã hỗ trợ xây dựng 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao tại xã Nam Sơn phục vụ việc mở rộng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu. Từ đó, xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Ngoài việc phát triển vùng trồng cây nguyên liệu, huyện sẽ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thành sản phẩm OCOP. Trong đó, định hướng phát triển trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Với loại cây này, bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân tham gia mở rộng diện tích trồng, huyện cũng sẽ kêu gọi, có những cơ chế thu hút thêm những doanh nghiệp tiềm năng đầu tư trồng, sản xuất, chế biến trà hoa vàng; ưu tiên dành nguồn ngân sách lớn hỗ trợ các đơn vị chế biến dược liệu trên địa bàn về KH-CN, cải tiến mẫu mã sản phẩm...
Huyện cũng sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, trong đó có cây dược liệu. Đưa Ba Chẽ trở thành vùng sản xuất kinh doanh dược liệu trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.
https://nongnghiep.vn/can-nhung-nghien-cuu-bai-ban-ve-cay-duoc-lieu-d290873.html
Theo Anh Thắng - Đinh Mười/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã