Những ngày này người dân nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành thu hoạch ớt trái. Nhiều người dân cho biết, vụ ớt năm nay được mùa hơn so với năm trước. Thời gian thu hoạch ớt trong mỗi vụ thường kéo dài từ 1,5 – 2 tháng.
Đang thu hoạch ớt, chị Bé (45 tuổi, trú tại thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) ước tính, mỗi sào ớt có thể mang lại thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng. Điều này cho thấy việc trồng ớt có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, thay vì thu hoạch một lần như lúa thì ớt phải thu hoạch rải rác trong vòng 1,5 – 2 tháng.
Chị Đinh Thị Kiều (27 tuổi, trú tại xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ, những ngày này chị đang dùng tài khoản mạng xã hội facebook của mình để bán nhanh hơn các thành phẩm từ ớt mà gia đình, hàng xóm và người thân làm ra, đồng thời, quảng bá công việc trồng, thu hoạch ớt tại địa phương đến bạn bè khắp nơi.
Bà Hai (64 tuổi, trú tại làng Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) kể lại, không biết ớt được người Huế sử dụng trong nấu ăn từ khi nào chỉ thấy là truyền lại từ đời này qua đời khác. Theo bà Hai, ớt giúp khử mùi tanh của món ăn, tạo màu sắc đẹp mắt cho món ăn, kích thích vị giác khiến người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.
Anh Định (36 tuổi, trú tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) cho biết, sau khi thu hoạch ớt có thể được sử dụng trực tiếp khi còn tươi, có thể được ép để tạo thành nước ớt hoặc có thể được phơi khô để làm ớt bột.
Theo đó, người trồng ớt ước tính rằng, 1kg ớt tươi có thể ép được khoảng 0,5 lít nước ớt. Đối với loại nước ớt này người dân thường bán khoảng 20.000 đồng/lít. Ngoài ra, người ta có thể ép nước ớt với mức độ cay đậm đà hơn tùy theo nhu cầu của người mua. Ông Lê Quang Mãn, 70 tuổi, trúc tại thôn Mai Vĩnh, xã Vinh Xuân chia sẻ, nếu bảo quản trong môi trường bình thường, nước ớt có thể dùng tới 1 năm.
Đối với thành phẩm ớt bột, theo ước tính mỗi sào 500m2 người dân thu được khoảng 140kg. Loại thành phẩm này có thể sử dụng được 2 – 3 năm trong điều kiện bình thường. Bà Hai cho biết, ớt bột được làm ra từ 2 luống ớt (khoảng 250m2) sau khi làm xong được bán hết chỉ trong ít ngày vì thương lái đến tận nhà để thu mua.
Đối với ớt tươi, người dân cho biết, do năm nay được mùa, sản lượng nhiều nên giá thành giảm hơn so với các năm trước. Cụ thể, khảo sát tại nhiều nơi, ớt trái đang được bán với giá khoảng 8.000 đồng/1kg.
Được biết, ớt thường được trồng trên các loại đất thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa; ớt có thể trồng được ở cả 3 vụ: đông xuân, hè thu và thu đông.
Mặc dù cây ớt được cho là phù hợp với nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và có thể sản xuất được trong nhiều mùa vụ khác nhau, tuy nhiên, để cây ớt mang lại hiệu quả cao nhất, bà con nông dân cần lưu ý phòng trừ các loại bệnh phổ biến xuất hiện trên loại cây này.
Theo ông Lê Minh Trí, Trưởng phòng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây ớt thường gặp các loại bệnh như: bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái - nổ trái), bệnh thối đọt non, bệnh đốm trắng lá…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã