Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Qúy cho biết, hiện trên địa bàn, nông dân nuôi dê hơn 60.000 con. Số lượng này chiếm 50% đàn dê của tỉnh.
Cũng theo ông Qúy, khi thấy nuôi dê không chỉ xóa nghèo mà có thể làm giàu; nhiều nông dân đã tăng đàn hoặc nuôi mới. Mỗi năm đàn dê của huyện tăng trung bình 10%.
Dù đang nuôi đàn dê lớn nhất huyện với 1.000 con, nhưng anh Đoàn Văn Hồng (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) cho biết, kế hoạch sẽ tăng đàn lên 3.000 - 4.000 con.
Kế hoạch của anh Hồng là sẽ có một trang trại vài ngàn con dê được nuôi theo hướng công nghiệp hóa. Toàn bộ trang trại sẽ được tự động hóa. "Dê sẽ dùng thức ăn công nghiệp" - Hai Hồng cho biết.
Hiện, với 1.000 dê, anh Hồng không chỉ bán thịt, giống mà còn bán sữa dê tươi.
Thị trường anh cung cấp sản phẩm dê rộng khắp từ miền Nam ra đến miền Trung. Thậm chí, xuất dê tươi sang cả Trung Quốc.
Nghề nuôi dê bây giờ không còn quanh quẩn ở xứ Gò. Lợi nhuận từ nuôi dê đang là hấp lực thu hút nông dân các huyện khác lao vào đầu tư chuồng trại, con giống.
Tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) đã xuất hiện trại dê của anh Nguyễn Hoàng Trí với gần 300 con.
Thay vì nuôi dê lấy thịt, anh Trí nuôi dê lấy sữa và sản phẩm sau sữa. Anh Trí đã cho thấy mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn.
Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, ban đầu anh Trí cho ra đời 2 dòng sản phẩm từ sữa dê, gồm: sữa chua (yaout) và bánh flan tươi.
Tiếp nối thành công từ 2 sản phẩm này, hiện anh Trí đã có thêm 2 dòng sản phẩm mới, gồm: sữa chua và bánh flan sấy.
Theo anh Trí, 2 dòng sản phẩm mới này sử dụng công nghệ sấy thăng hoa (sấy khô lạnh ở nhiệt độ -40oC).
Hiện, anh Trí đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đông Nghi. HTX ưu tiên thu mua sữa tươi của thành viên với mức giá ổn định.
Với đầu ra, HTX liên kết với Khu du lịch Điền Lan Thôn Trang (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) tổ chức đưa, đón du khách tham gia tour (du lịch, lữ hành) trải nghiệm tại HTX, gồm: tham quan trang trại nuôi dê, chụp ảnh lưu niệm với đàn dê, thưởng thức các sản phẩm chế biến từ sữa dê với giá vé trọn gói là 40 ngàn đồng/người.
Bên cạnh đó, HTX ký hợp đồng cung ứng thường xuyên sản phẩm yaout và bánh flan sữa dê tươi cho một số trường mầm non, tiểu học trong tỉnh và ngoài tỉnh; các kênh phân phối sản phẩm gồm các hệ thống đại lý tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh như: Bến Tre, An Giang, TP.HCM...
Ngoài ra, HTX còn chuẩn bị ký hợp đồng với Co.opMart để đưa sản phẩm yaout và bánh flan sấy vào tiêu thụ tại siêu thị.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện tổng đàn dê của tỉnh khoảng 140.000 con, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình nuôi dê, như: nuôi dê thịt, cung ứng dê giống, nuôi dê lấy sữa; nuôi dê theo mô hình trang trại, hộ gia đình.
Nhận thấy tiềm năng và triển vọng của nghề nuôi dê, những năm qua, Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, khả năng ứng dụng hiệu quả trong đời sống thực tế tại địa phương.
Một số đề tài tiêu biểu như: Dự án "Ứng dụng mô hình cải tạo giống dê địa phương" tại huyện Gò Công Đông; Dự án "Gieo tinh nhân tạo trên dê"… tại các huyện, thị xã có nghề nuôi dê phát triển…
Ngoài ra, tỉnh còn chuyển giao cho nông dân mô hình nuôi dê trên đệm lót sinh học, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe…
Theo ông Qúy, hiện mỗi năm đàn dê trên địa bàn huyện tăng khoảng 10%.
Anh Hai Hồng cho biết, nuôi dê khá dễ, ít dịch bệnh, giá dê trên thị trường khá ổn định, cao. Nhờ đó, thu nhập từ nuôi dê rất ổn định.
Hiện, giá dê thịt trên thị trường đang khá tốt. Giá dê thịt tại miền Nam được thương lái thu mua: Loại 1 từ 132.000 – 138.000 đồng/kg, loại 2 từ 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Bên (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), một nông dân đang nuôi 20 con dê giống cho biết, với giá này nông dân nuôi dê đã có lời tốt.
https://danviet.vn/tien-giang-miet-go-dan-do-xo-nuoi-con-nay-mong-thoat-ngheo-ai-ngo-nhieu-nha-tro-nen-giau-co-20210513130401188.htm
Theo Trần Đáng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã