Được du nhập vào trồng tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách đây khoảng 30 năm, cây vú sữa hợp đất, hợp nước ngày càng phát triển. Vú sữa ở Tân Yên không chỉ cho chất lượng quả thơm ngon mà còn giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có thu nhập cao.
Từ hiệu quả kinh tế của cây vú sữa, nhiều hộ dân ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, nhằm phát triển thương hiệu vú sữa Tân Yên.
Đặc biệt, cây vú sữa được trồng rất nhiều ở thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức. Vú sữa ở đây cây nào cũng sai lúc lỉu, được người dân địa phương gọi là "làng vú sữa".
Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cửa Sông là người đầu tiên trồng vú sữa ở làng. Hiện nhà ông Cường có cây vú sữa đã hơn 30 năm tuổi, đồng thời là hộ có diện tích trồng vú sữa lớn nhất xã. Không chỉ có vậy, ông còn là Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ vú sữa xã Hợp Đức với 20 xã viên.
"Mới đầu vụ, vú sữa chưa ngon lắm, giống quả này phải nắng bổng lên mới ngọt. Đầu mùa, nhiều người hỏi mua, giá 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vú sữa chưa chín già nên gia đình tôi không muốn bán" - vợ ông Cường cho hay.
Cách đây hơn 30 năm, vợ chồng ông Cường được người thân cho mấy quả vú sữa, ăn thấy ngon nên lấy hạt trồng trong vườn nhà.
"Người dân nông thôn trước đây là thế, ăn quả mít, quả na hay quả gì đó thấy ngon là nghĩ ngay tới việc mang hạt đi trồng"-ông Cường nói.
Từ một cây ban đầu, gia đình đã tự nhân giống trồng vú sữa trong vườn nhà. Cây vú sữa gia đình ông Cường trồng cho quả màu trắng ánh xanh lục có nguồn gốc từ miền Nam, nhưng do hợp với thổ nhưỡng địa phương nên chất lượng tốt, giá bán thường cao hơn hàng chục nghìn đồng/kg.
Đến nay, trong vườn nhà ông Cường đã có hơn 200 cây vú sữa cho thu hoạch. Với 10 cây vú sữa đầu dòng, mỗi năm, ông còn cung ứng khoảng 3.000 cây giống cho người dân trong và ngoài xã.
Tính sơ sơ, từ bán quả và giống mỗi năm gia đình ông Cường thu khoảng nửa tỷ đồng.
Trong khi đó, gia đình anh Lê Quang Cảnh trồng 55 cây vú sữa, nay đã được 15 - 20 năm tuổi. Vụ trước, sản lượng vú sữa đạt 3,5 tấn quả, trừ hết chi phí gia đình anh thu lãi hơn 70 triệu đồng.
Năm nay, anh vừa thu hoạch đợt đầu tiên, giá bán tại vườn 25.000 - 35.000 đồng/kg, dự kiến cho sản lượng và thu nhập cao hơn năm ngoái.
Theo anh Cảnh, trồng vú sữa không khó nhưng quan trọng nhất là phải chống được tình trạng rám quả. Quả vú sữa tròn, đẹp, sáng mã thì bán sẽ được giá cao hơn. Khi thu họach nên thu cả cuống, loại bỏ quả sâu bệnh, quả bị tổn thương, cho vào các thùng và có giấy lót để tránh va chạm.
Trong thời gian tồn trữ, vận chuyển không nên để trái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì sẽ làm tổn thương vỏ trái; không nên che nắng trái bằng tấm nilon vì nilon hấp thu nhiệt sẽ làm rám vỏ trái.
Chăm sóc cây vú sữa tuy rất đơn giản nhưng cũng phải chú ý thời gian bón phân cho cây. Với những vườn vú sữa đã bước sang giai đoạn cho trái ổn định nên bón 4 lần phân vào các giai đoạn: xử lý ra hoa, đậu trái, nuôi trái, trước thu hoạch 1-2 tháng.
Liều lượng phân bón thay đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 6 năm đến trên 20 năm (lúc đầu bón số lượng nhỏ, tăng dần theo từng năm). Cây vú sữa rất phù hợp với phân chuồng hoai mục nên người trồng cây có thể tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi của gia đình ủ hoai mục bón cho cây, vừa sạch môi trường vừa đỡ chi phí mua phân bón.
Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu phủ gốc rồi bón lên mặt luống hoặc xới rãnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.
Chị Nguyễn Thị Lệ - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hợp Đức, huyện Tân Yên cho biết, hiện toàn xã Hợp Đức có khoảng 22ha diện tích trồng vú sữa; trong đó có khoảng 17 ha đang cho thu hoạch.
Riêng thôn Cửa Sông có khoảng 10 ha, sản lượng vú sữa hàng năm tại Cửa Sông ước đạt gần 100 tấn quả, đem về thu nhập ổn định cho bà con trồng vú sữa, thậm chí giúp nhiều hộ khá giả.
Vú sữa là cây lâu năm, có nhiều ưu điểm như ít phải chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là vú sữa ở đây chưa bao giờ mất mùa, năng suất chỉ giảm hoặc tăng so với vụ trước vì cây ra nhiều đợt hoa trong năm, đợt này không đậu thì đợt sau.
Hơn nữa, mùa thu hoạch vú sữa ở đây lại muộn hơn so với vú sữa miền Nam, chín sớm hơn vải thiều, mận... ở miền Bắc. Vì thế việc tiêu thụ rất thuận lợi, tư thương tới tận vườn thu mua. Những cây vú sữa cổ thụ mỗi vụ có thể cho thu cả chục triệu đồng.
"Do người dân biết cách áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất nên thương hiệu vú sữa Hợp Đức ngày càng được nhiều người biết đến, giá bán rất ổn định. Đặc biệt, vùng sản xuất vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại đây đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, là bước tiến để sản phẩm vú sữa Cửa Sông nói riêng và vú sữa Hợp Đức tiếp tục nâng cao được giá trị, thương hiệu trên thị trường" - chị Lệ cho biết.
Cây vú sữa được bà con nơi đây trồng cách đây khoảng 30 năm, cây vú sữa hợp đất, hợp nước ngày càng phát triển, cho chất lượng quả thơm ngon, giúp nhiều gia đình ở Cửa Sông thoát nghèo, thu nhập cao. Bà con đánh giá vú sữa là loại cây dễ trồng, không kén đất, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, vốn đầu tư ít và có thị trường tiêu thụ rộng.
https://danviet.vn/bac-giang-lang-vu-sua-trung-mua-trung-gia-co-nha-thu-nua-ty-dong-vu-xay-nha-dep-nhu-biet-thu-20210516164210589.htm
Theo Nguyễn Khương - Mạnh Hùng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã