Quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Bến Tre từ những ngày đầu khai hoang mở đất, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất và người Bến Tre luôn khẳng định mạnh mẽ truyền thống bất khuất, khí phách hiên ngang, đầy sáng tạo, khát khao đổi mới như những rặng dừa luôn giữ chặt đất, vững vàng trước giông bão để vươn cao nhìn trời xanh một cách kiêu hãnh.
Nhìn lại lịch sử kể từ khi những lưu dân đầu tiên đến khai phá vùng đất Bến Tre, với khát vọng của những con người đi mở cõi, từ mảnh đất hoang vu, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, nhiều thế hệ cư dân đã ra sức khai phá, xây dựng vùng đất này trở thành ba dãy cù lao trù phú, xanh ngát bóng dừa, để từ đó Bến Tre có tên gọi thân thương “quê hương xứ dừa”.
Theo Vũ Hồng Thanh, trong tác phẩm “Bến Tre – Xứ Dừa – Quê Hương Đồng Khởi”, trong kháng chiến chống Mỹ, cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, Bến Tre đã sáng tạo ra phương pháp đánh Mỹ tuyệt vời với 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang và binh vận, với đội quân tóc dài nổi tiếng cả thế giới, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi trời long đất lở trên toàn đất Miền Nam. Từ đó, Bến Tre vinh dự có thêm biệt danh “quê hương Đồng Khởi”.
Trưởng thành trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre có 28 vị tướng lĩnh, trong đó có đại tướng Lê Văn Dũng – vị đại tướng đầu tiên của Nam Bộ, nữ tướng Nguyễn Thị Định – nữ tướng duy nhất trong kháng chiến chống Mỹ.
Với truyền thống cách mạng, Bến Tre có 148 địa phương, đơn vị tập thể và 83 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 6.696 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong hơn 70.000 thanh niên Bến Tre lên đường cầm súng đánh giặc, có 35.590 người trở thành liệt sỹ. Vinh quang vô cùng nhưng cũng đau thương mất mát vô hạn.
Trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, cây dừa cao sừng sững trước mưa bom bão đạn đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh hiên ngang, bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Bến Tre.
Trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu có câu thơ: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thì ở đồng bào Bến Tre cũng có câu thơ: “Tôi lớn lên đã thấy cây dừa xanh trước ngõ/Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”.
Rừng dừa đã chở che cho bội đội dưới những trận mưa bom bão đạn, càn quét oanh tạc của lính Mỹ. Những căn hầm bí mật làm bằng gỗ dừa, những đài quan sát bằng đọt dừa, những cái mỏ dừa báo động, chông dừa, cọc dừa ngầm ngăn tàu dưới sông, hay nước dừa làm dung dịch tiếp tế khi chiến sỹ bị mất máu, nuôi ong vò vẽ dưới rừng dừa đánh giặc... đều là những cách vận dụng cây dừa đánh giặc rất thông minh của người dân quê hương Đồng Khởi.
Tiêu biểu nhất, những căn hầm lớn mà căn cứ khu ủy Sài gòn - Gia Định đóng tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc ngày nay được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia cũng được làm bằng thân dừa.
Ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày), du kích lấy thân dừa dựng pháo đài, bắn tỉa địch ngày đêm khiến chúng mất ăn mất ngủ bỏ đồn mà chạy. Hay như mùa mưa năm 1972, du kích và nhân dân Giồng Trôm đã dùng 370 cây dừa lão kết bè, chờ nước ròng vừa chảy mạnh, ta cho cắt dây bè, bè trôi nhanh theo dòng nước, đâm thẳng vào trụ cầu và đánh sập toàn bộ cầu Bình Chánh xuống dòng sông. Cầu Hòa Lộc (Mỏ Cày) cũng bị đánh sập bằng cách này để cắt đứt đường tiếp tế của giặc.
Qua 46 năm xây dựng đất nước, ngày nay, cây dừa ngày càng khẳng định vị thế vô cùng quan trọng ở Bến Tre, nhất là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Đến nay, Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất khu vực ĐBSCL và cả nước với diện tích gần 74.000 ha.
Năm 2020, Theo Sở Công Thương Bến Tre, sản lượng dừa ước đạt 630 triệu trái, trong đó, dừa công nghiệp chiếm khoảng 80-85%, dừa uống nước khoảng 15-20%. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa ước đạt 5.880 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân mặt hàng dừa 18,66%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa ước thực hiện năm 2020 đạt 346,91 triệu USD, chiếm 26,69% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân 16,74%/năm.
Các sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại nguồn thu nhập cho hơn 200.000 hộ dân của tỉnh. Đây còn là cây chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam với 208 sản phẩm được chế biến. Trong đó, cơm dừa sấy, chỉ xơ dừa, nước cốt dừa, than hoạt tính…là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu.
Tại Lễ hội dừa lần thứ V, năm 2019 tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ở nước ta, Bến Tre có là tỉnh tiềm năng, chế biến, xuất khẩu dừa lớn nhất cả nước. Có thể nói, Bến Tre là vườn dừa của quốc gia, là thủ phủ cây dừa của cả nước.
Với người dân của tỉnh Bến Tre, cây dừa đã trở nên rất thân thuộc là cây chiến lược trong nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Tuy nhiên, vườn dừa Quốc gia chưa được quan tâm đúng mức, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu 4 Bộ có giải pháp kịp thời bảo vệ vườn dừa quốc gia trước biến đổi khí hậu.
Trước vấn đề hội nhập toàn cầu, để cây dừa Bến Tre đạt tiêu chuẩn thâm nhập và thị trường thế giới, vươn xa hơn nữa, tỉnh Bến Tre đã và đang xây dựng, phát triển vườn dừa hữu cơ, phát triển vùng trồng theo hướng tối ưu.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre: Dừa là cây trồng có diện tích sản xuất hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tổng diện tích sản xuất dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và EU đạt trên 10.500 ha.
Trong đó, diện tích được chứng nhận đạt gần 5.200 ha và diện tích đang chuyển đổi trên 5.300 ha. Trên địa bàn tỉnh đã có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu dừa hữu cơ. Một số doanh nghiệp điển hình như Công ty dừa Lương Quới, Betrimex, BEINCO… Hiện dừa hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu với giá bình quân cao hơn dừa thông thường từ 15 – 20%.
Còn ông Đặng Văn Cử, công tác tại Sở KH-CN tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng và phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa để khuyến cáo hướng dẫn người dân sản xuất.
Đồng thời, Sở cũng nghiên cứu thử nghiệm mô hình khắc phục hiện tượng dừa không mang trái (dừa treo) và đưa ra các giải pháp hạn chế hiện tượng dừa giảm năng suất, đã tăng năng suất dừa lên từ 10-20% so với hiện trạng.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn kỹ thuật tại hiện trường để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh dừa, canh tác dừa thích nghi với hạn - mặn; quản lý dịch hại trên dừa bằng biện pháp sinh học, trong đó chú trọng việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng an toàn bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
https://nongnghiep.vn/doi-thay-xu-dua-d289902.html
Theo Minh Đảm/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã