Nông dân xã Việt Dân thu hoạch na dai trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vụ na dai năm nay là năm thứ 3 vùng trồng na hơn 300ha tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt áp dụng những nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ thực hiện đảm bảo các quy trình kỹ thuật, quả na dai Đông Triều đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chất lượng VietGAP và được vào tiêu thụ ở chuỗi hệ thống siêu thị BigC toàn miền Bắc. Qua đó, quả na Đông Triều không chỉ từng bước khẳng định vị trí ổn định trên thị trường nông sản mà còn giúp người trồng nâng cao thu nhập, tập trung ổn định sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Tuân, thôn Khe Thượng, xã Việt Dân, TX Đông Triều, chia sẻ: Triển khai mô hình trồng na theo hướng VietGAP, gia đình tôi được hỗ trợ về quy trình kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, theo dõi, ghi chép hằng ngày để làm cơ sở đánh giá kết quả cuối cùng. Mỗi quả na khi xuất bán đều được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhờ vậy mà sản phẩm của chúng tôi đã có tên tuổi, chỗ đứng nhất định trên thị trường và tiêu thụ ổn định hơn. Hiện nay, với hơn 700 cây na, hàng năm cho thu hoạch trên 20 tấn quả/năm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng cho gia đình tôi.
Cùng với cây na, thời gian qua nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn TX Đông Triều đã được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đây là hướng đi từ chủ trương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trên cơ sở này, TX Đông Triều tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định vùng sản xuất tập trung là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng, nên TX Đông Triều đã chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung. Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Để đảm bảo hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, thị xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa ngoài thực địa tại các xã, phường. Sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất hàng hóa, như chủ động, tiết kiệm nước tưới, áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch, giảm chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch... Từ đó, nâng cao giá trị trên mỗi diện tích canh tác.
Theo số liệu thống kê của TX Đông Triều, hiện thị xã có 8 vùng sản xuất tập trung với diện tích 7.986ha, trong đó sản xuất lúa chất lượng cao 4.500ha, vùng na dai 1.000ha, vùng tập trung nuôi trồng thủy sản 1.500ha, vùng cây cam Canh, bưởi Diễn 100ha; vùng vải, nhãn 900ha; vùng rau an toàn 100ha; vùng khoai tây Atlantic 200ha; vùng chăn nuôi lợn tập trung tại xã Bình Khê và xã Nguyễn Huệ. Hầu hết các sản phẩm chủ lực địa phương đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây Atlantic với Công ty Orion Hàn Quốc. Hàng năm, mô hình này cho tổng sản lượng khoai thương phẩm đạt tiêu chuẩn trên 1.600 tấn, doanh thu đạt hơn 11,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị xã cũng chú trọng triển khai và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN như mô hình rau thủy canh, sản xuất rau củ quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng... Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiên phong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao nổi bật như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188; HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong.
Cùng với đó, TX Đông Triều đã tích cực phát triển các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) và xác định đây là một chương trình phát triển kinh tế phát huy được sản phẩm chủ lực của địa phương, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt hiệu quả. TX Đông Triều có 30 sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm nông sản, tiêu biểu được người tiêu dùng ưa chuộng như: Gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, na dai, cam Canh, nấm, sữa, rau sạch...
Theo Nguyễn Thanh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã