Người dân xã Quảng Minh (Hải Hà) dọn vệ sinh môi trường đường thôn, xóm.
Để nâng cao nhận thức cho bà con về giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền. Nhiều phong trào vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được triển khai, duy trì với sự vào cuộc tích cực của người dân, như cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, mô hình thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư, thôn xóm do Hội phụ nữ thực hiện; mô hình “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp” do Đoàn thanh niên triển khai...
Đến nay, 98 xã trên địa bàn tỉnh đều có đội thu gom rác thải sinh hoạt của người dân, tập trung ở các thôn, bản đông dân cư, địa hình đi lại thuận lợi. Với những nơi dân cư không tập trung, địa hình đồi núi... người dân cũng được hướng dẫn thu gom, phân loại, đốt, chôn rác sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Phương, thôn 7, xã Quảng Chính (Hải Hà) cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, các thôn hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải nên vệ sinh môi trường ở các hộ dân, đường làng, ngõ xóm luôn đảm bảo sạch sẽ, bà con rất phấn khởi”.
Hệ thống xử lý chất thải lỏng tại Trạm Y tế xã Quảng Sơn (Hải Hà).
Cùng với đó, các trạm y tế tuyến xã đều có hệ thống xử lý nước thải y tế; rác thải y tế được thu gom mang đi xử lý theo đúng quy định. Công tác quy hoạch bãi xử lý rác thải, nghĩa trang nhân dân cũng được các địa phương bố trí phù hợp với quy hoạch tổng thể, phù hợp phong tục, tập quán của người dân...
Để hỗ trợ người dân về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, các ngành, đoàn thể, địa phương vận động bà con di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi... Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và hỗ trợ 1.928 công trình biogas.
Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. Chỉ riêng 8 tháng năm 2020, các địa phương đã cấp phát, sử dụng 19.663 lít hóa chất và 44.800kg vôi bột vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, khu giết mổ gia súc, gia cầm... Nhờ vậy, trong số hơn 32.000 hộ chăn nuôi ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thì trên 80% hộ đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh.
Người dân xã Quảng An (Đầm Hà) đã chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh nhà ở.
Việc xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn cũng đã được các địa phương chú trọng, hỗ trợ bà con bằng việc triển khai một số dự án và huy động nguồn lực khác nhau. Đến nay, 87% hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, hằng năm, ngành Nông nghiệp phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách; hướng dẫn các thôn, xóm xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV nhằm hạn chế thấp nhất tác động của thuốc BVTV đối với môi trường. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 2.954 bể chứa bao gói thuốc BVTV đang được người dân sử dụng.
Qua đó, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, các địa phương đã thu gom 6.550kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng về tập kết tại kho của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT)... Các xã cũng đã tiến hành rà soát, tổ chức cho người sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có liên quan đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuyến đường thôn 7, xã Quảng Chính (Hải Hà) luôn xanh- sạch- đẹp.
Các công trình nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn cũng được quan tâm. Thông qua Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới (Chương trình PforR), trên địa bàn tỉnh đã có 10 công trình cấp nước sinh hoạt được đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 15.390m3/ngày đêm, cấp nước đạt quy chuẩn 2 của Bộ Y tế cho trên 20.000 hộ dân vùng nông thôn trong tỉnh. Từ chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều công trình nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cũng đã được xây dựng, đưa vào hoạt động. Đến nay, 98% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nhờ đầu tư mạnh, triển khai đồng loạt các giải pháp bảo vệ môi trường của tỉnh, các ngành, địa phương, sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của người dân... môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong số 98 xã trên địa bàn toàn tỉnh thì đến hết tháng 6/2020 có 84 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề để khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng vững chắc về kinh tế - xã hội.
Theo Thu Nguyệt/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã