Quảng Bình: Bố Trạch phát triển cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, đến nay, toàn huyện hiện có 8 cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao với quy mô 1.000-2.000 con lợn/lứa; bao gồm: 1 cơ sở ở xã Trung Trạch, 1 cơ sở ở xã Cự Nẫm, 4 cơ sở ở xã Tây Trạch, 1 cơ sở ở xã Thanh Trạch và 1 cơ sở ở thị trấn Nông trường Việt Trung.
Các mô hình chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo đúng yêu cầu, như: chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, xử lý chất thải và chế độ ăn uống bảo đảm chất lượng và bằng hệ thống tự động.
Theo đánh giá chung, mô hình chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thuận lợi cho người nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh môi trường. Mặc dù thị trường biến động nhưng các mô hình chăn nuôi có liên kết vẫn đứng vững và ngày càng mở rộng, phát triển. Tính trung bình, mỗi cơ sở chăn nuôi quy mô 1.000-2.000 lợn thịt/lứa có thu nhập từ 300 triệu đến 600 triệu đồng/năm.
Huyện Bố Trạch tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần giữ ổn định tổng đàn, nâng cao chất lượng đàn, kiểm soát tốt dịch bệnh cho đàn lợn trên địa bàn huyện.
Những trang trại chăn nuôi tiền tỷ ở miền biển Hà Tĩnh
Người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã thay đổi chăn nuôi tập trung trong các trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại để mang lại sự an toàn và hiệu quả cao.
Trên địa bàn Lộc Hà hiện có nhiều mô hình trang trại nuôi lợn tập trung theo hướng hàng hóa, hiện đại và hiệu quả. Trong số này có thể kể đến: HTX 27/7 (Thịnh Lộc) với quy mô 1.200 con lợn thịt/lứa; HTX Tân Trường Sinh (Thạch Mỹ) với 2.400 con lợn thịt/lứa; HTX Thanh niên Thượng Phú (Hồng Lộc) với 1.200 con lợn thịt/lứa…
Cùng với đàn lợn, người chăn nuôi ở Lộc Hà đã đổi mới tư duy, thay đổi phương thức để phát triển và từng bước “nâng chất” đàn bò. Những vùng có thế mạnh về địa hình, nhân lực như: Hồng Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc… đã được phát huy để chăn nuôi gia súc lớn. Nhờ vậy, đàn trâu bò hiện có 13.119 con và đang có xu hướng tăng dần. Hiện nay, ở Lộc Hà có rất ít hộ nuôi trâu bò nhỏ lẻ, thay vào đó là những mô hình nuôi trên 5 con/lứa, cá biệt có 162 hộ nuôi trên 10 - 30 con/lứa.
Ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, cho biết: “Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi của huyện nhà đã phát triển mạnh theo hướng nuôi trang trại liên kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng KHKT, gắn phát triển tổng đàn với phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ”.
Nghệ An: Nuôi hươu, nghề chăn nuôi an nhàn, hiệu quả và ít rủi ro
Huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 15.000 con hươu, nai, tập trung ở các xã: Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng. Sản lượng lộc nhung thu về khoảng 40 tấn, tương đương khoảng 32 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, giá lộc nhung tăng mạnh từ 9 triệu đồng/kg lên 14 triệu đồng/kg. Giá nhung lộc tăng cao kéo theo nhu cầu cung cấp con giống cũng phát triển mạnh. Nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi hươu nai nhằm trao đổi kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm và trao đổi mua bán con giống cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh.
Gia đình anh Văn Đức Thành ở xóm 12, xã miền núi Quỳnh Tân là một cơ sở chăn nuôi hươu nai lấy lộc có uy tín nhất vùng. Tiếp nối truyền thống chăn nuôi hươu của cha ông để lại, hiện trong chuồng nhà anh Thành luôn duy trì trên 100 con hươu nai các loại. Trung bình một năm cơ sở anh Thành thu hoạch được 1,5 tấn nhung lộc, với giá bán từ 11-14 triệu đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm cơ sở anh thu về 150 triệu đồng tiền bán lộc.
Ngoài trực tiếp chăn nuôi, anh Thành liên kết với các hộ chăn nuôi hươu nai trong vùng tập kết thu mua hươu nai giống để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi hươu nai trong huyện, tỉnh với số lượng từ 500-600 con giống.
Ông Tô Huy Đạo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quỳnh Lưu, chia sẻ: Nghề nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với nông dân đã rõ nhưng hiện tại chủ yếu do bà con nông dân vẫn tự xoay xở, học hỏi. Trước đây, huyện đã có đề án, kế hoạch động viên bà con nhưng phương án tìm đầu ra bằng cách xây dựng nhãn hiệu nhung hươu Quỳnh Lưu nhưng vì lý do đây là động vật xuất phát môi trường hoang dã, không được khai thác lộc nên rơi vào bế tắc.
Tìm hiểu một số tỉnh bạn cho thấy, để hỗ trợ bà con nuôi hươu, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi quy mô lớn lớn, một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình chính sách khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác để chế biến hoặc kết nối với các Hội đông y và các Công ty dược xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và lo đầu ra cho nhung hươu nên ngành nông nghiệp Nghệ An nên tham khảo.
Trước tình hình phát triển nuôi hươu của bà con nông dân, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án "Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nuôi Hươu Quỳnh Lưu dùng cho sản phẩm nhung hươu của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai" nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nuôi hươu và đảm bảo chất lương của sản phẩm khi bán ra thị trường./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã