Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về rác thải biển và ô nhiễm nhựa diễn ra đầu tháng 9 năm 2021, đa số các quốc gia đã ủng hộ mạnh mẽ việc tiến tới các vòng đàm phán hiệp ước. Trong hội nghị, 15 quốc gia khác cũng đã tán thành việc xây dựng hiệp ước mới cấp Liên Hợp quốc về ô nhiễm nhựa, nâng tổng số lên 119 quốc gia ủng hộ.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đang thúc đẩy tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc bắt đầu đàm phán về một hiệp ước toàn cầu trong đó phải giải quyết mọi giai đoạn trong vòng đời của nhựa, nhằm ngăn chặn sự rò rỉ của rác nhựa vào môi trường đại dương vào năm 2030.
Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) mới đây cho biết, hiện giờ là thời điểm quan trọng để Chính phủ các nước đảm bảo rằng tất cả các chủ thể trong hệ thống nhựa phải chịu trách nhiệm về chi phí do vòng đời của nhựa gây ra đối với thiên nhiên và con người.
Cậu hỏi lớn đặt ra ở đây là nhựa gây ra những tác động gì cho xã hội, môi trường và kinh tế, các chi phí, ảnh hưởng từ sản xuất nhựa mà các quốc gia phải trả giá như thế nào?
Với các tính chất đặc thù của nhựa, loại vật liệu này đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ nhựa gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến xã hội, môi trường và kinh tế. Các chi phí này không được tính đến trong giá cả hiện nay của nhựa nguyên sinh.
Báo cáo này cho thấy, chi phí của nhựa đối với môi trường và xã hội cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường mà các nhà sản xuất nhựa nguyên sinh phải trả, kéo theo những chi phí phát sinh đáng kể cho các quốc gia. Việc các chính phủ chưa hiểu rõ về chi phí thực tế của nhựa đã dẫn đến công tác quản lý kém hiệu quả đối với loại vật liệu này và làm tăng chi phí sinh thái, xã hội và kinh tế đối với các quốc gia. Chi phí của nhựa được sản xuất năm 2019 sẽ ít nhất là 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ (+/-1 nghìn tỷ đô la Mỹ) theo ước tính chu kỳ vòng đời.
Cách tiếp cận toàn cầu hiện nay trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng về nhựa đang thất bại. Trừ khi các hành động cấp bách được thực hiện, chi phí xã hội trong suốt chu kỳ vòng đời của nhựa được sản xuất vào năm 2040 có thể lên tới 7,1 nghìn tỷ đô la Mỹ (+/-2,2 nghìn tỷ đô la Mỹ), tương đương khoảng 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018 và lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, Canada và Úc năm 2019 cộng lại.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hệ thống, giảm thiểu chi phí xã hội của nhựa, WWF đang kêu gọi Chính phủ các quốc gia bắt đầu đàm phán một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc về pháp lý đối với vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương tại kỳ họp lần thứ năm của Đại Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 2 năm 2022.
https://nongnghiep.vn/rac-thai-nhua-gay-ra-nhung-tac-dong-vo-cung-lon-d303866.html
Theo Hải Nam/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã