Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến với 33 tỉnh, thành phố góp ý Dự thảo Chương trình "Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành giai đoạn 2021-2025".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, từ năm 2015, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ Hà Nội triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn trong toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020, thông qua Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau thịt an toàn cho Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả sau 5 năm thực hiện, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã kết nối sản xuất, quản lý chất lượng chủ động, tích cực hơn; xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chiếm 48% của cả nước); Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 141 chuỗi (trong đó có 56 chuỗi sản phẩn động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật).
Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình trong 1 tháng trên 92.000 tấn rau, củ, trái cây, trên 13.000 tấn thịt gia súc gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác.
Qua đó, góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội, góp phần cho thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện khả năng sản xuất nông nghiệp của Thành phố mới chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu sử dụng cho hơn 10 triệu người dân. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các địa phương và nhập khẩu nên rất cần sự hợp tác, liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt vào mỗi dịp lễ Tết.
“Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm giảm sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm của thành phố. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy những sản phẩm đáp ứng được chất lượng ATTP đều dễ dàng tiêu thụ, thậm chí thiếu hụt, không đủ để bán”, bà Phương Lan chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, Sở Công thương Hà Nội sẵn sàng kết nối giao thương với 33 địa phương cũng như kết nối trực tiếp với các vùng sản xuất để có thể nắm bắt được nhu cầu và chất lượng sản phẩm của các tỉnh. Từ đó, hệ thống phân phối của Hà Nội sẽ có đơn đặt hàng từng sản phẩm tới từng địa phương, từng doanh nghiệp để đảm bảo chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững.
Đưa ra đề xuất, bà Lan cho rằng, Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và TP. Hà Nội cần xây dựng tiêu chuẩn về ATTP cho các chuỗi. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cần đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Từ đó chất lượng của các chuỗi cũng ứng cũng được nâng cao hơn.
Ngoài ra, Hà Nội cần đa dạng hóa kênh phân phối để các doanh nghiệp có thể chủ động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm an toàn. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến những kênh phân phối truyền thống nên thời gian tới Thành phố cần chuyển đổi linh hoạt các hình thức kết nối sang các kênh thương mại điện tử.
Chương trình Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phối giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu trong vòng 5 năm sẽ nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm, 7 chuỗi được nâng cấp theo chuẩn mực quốc tế và số chuỗi giá trị ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.
"Để chuẩn bị cho chương trình phối hợp này, Hà Nội đang thí điểm thực hiện phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ là tuyến phố thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối trưng bày, kết nối giao thương bán sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Ngoài ra, thành phố có 27 điểm trên địa bàn các quận nội thành để giới thiệu, bán sản phẩm nông sản mùa vụ của các tỉnh đăng ký tham gia. Hà Nội cũng đang phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của Quốc gia tại TP. Hà Nội." Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và TP. Hà Nội có nội dung chính về ATTP nhưng lại có ý nghĩa với rất nhiều vấn đề khác của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Ý nghĩa đầu tiên, trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình sẽ giúp Hà Nội trở thành trung tâm kết nối, điều phối với các địa phương khác thông qua việc xây dựng những cơ sở chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
“Ngoài việc cung ứng nông sản, các địa phương cần có nguồn cung ứng nguyên liệu cho Hà Nội. Điểm mấu chốt là các tỉnh phải thực hiện mở rộng liên kết vùng. Với sự phối hợp của 33 tỉnh thành, ngành nông nghiệp Thủ đô phải đảm bảo vừa cung ứng sản phẩm trong nước, vừa xuất khẩu ra thị trường quốc tế.Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ý nghĩa thứ hai, Chương trình sẽ giúp đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho Hà Nội. Theo Thứ trưởng, sau 5 năm thực hiện Chương trình, Hà Nội cần phấn đấu 100% vùng trồng, vùng nuôi được cấp mã số.
Ý nghĩa thứ ba là thúc đẩy liên kết các chuỗi tại Hà Nội theo Chương trình OCOP, từ đó mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của Thủ đô.
Ý nghĩa thứ tư, Chương trình sẽ xây dựng các tiêu chí ATTP tại các chợ đầu mối. Từ các chợ đầu mối, Thành phố sẽ kiểm soát được chất lượng các sản phẩm.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phối hợp với TP. Hà Nội thí điểm việc xây dựng nhãn hiệu, logo về ATTP gắn lên các sản phẩm để người tiêu dùng có thể yên tâm mua hàng.
Ý nghĩa thứ năm, Chương trình sẽ giúp Hà Nội triển khai các mô hình theo chuỗi giá trị, không chỉ ATTP mà còn gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách nâng cao nhận thức và hành vi của người sản xuất, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp để giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí logistics.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai và tỉnh Đồng Tháp đều đề nghị, xây dựng quy chế phối hợp thông tin về nhu cầu tiêu thụ cũng như chất lượng, số lượng sản phẩm giữa Hà Nội và các địa phương cần được làm rõ và cụ thể hơn với từng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm.
https://nongnghiep.vn/xay-dung-ha-noi-thanh-trung-tam-dieu-phoi-nong-san-d304349.html
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã