Australia đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho nông sản và doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để rộng mở cơ hội xuất khẩu tới thị trường lớn nhất châu Đại Dương này, doanh nghiệp cần nắm bắt thị hiếu khách hàng, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm, hàng hóa.
Nông sản Việt được ưa chuộng
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu thanh long - một trong bốn loại quả tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Australia - tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 29 triệu USD.
Một loại quả khác là xoài tươi cũng tăng trưởng hơn 8%, đạt giá trị xuất khẩu gần 4,4 triệu USD, dù đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ xoài Thái Lan và Trung Quốc.
Quả nhãn ghi dấu ấn mạnh mẽ với lượng xuất khẩu vào thị trường Australia từ đầu năm đến nay tăng hơn 133,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 150.000 USD. Dự kiến, trong thời gian tới, sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này còn tiếp tục tăng do mùa vụ trong nước hiện chưa kết thúc.
Quả vải tiếp tục là mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam tại đây. Ông Lý Hoàng Duy, Giám đốc Công ty nhập khẩu 4wayfresh (trụ sở tại bang Tây Australia) chia sẻ, vải tươi Việt Nam năm nay có chất lượng rất tốt, được người Australia ưa chuộng.
Kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam vào Australia trong nửa đầu năm nay tăng ngoạn mục, cao hơn 93% so với cùng kỳ năm trước, đạt 508.000 USD.
Tháng 9 vừa qua, 7 tấn sầu riêng Ri6 đông lạnh của Việt Nam được nhập vào Australia thông qua Công ty Bato Ausales (trụ sở tại bang Victoria, Australia) đã bán hết chỉ vài giờ sau khi thông quan. Vào đầu tháng 8/2021, 45 tấn sầu riêng Ri6 của Công ty Ưu Đàm (TP.Hà Nội) đã được đặt mua hết từ khi còn đang trên đường vận chuyển tới Australia. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, sầu riêng Việt Nam hiện được người tiêu dùng Australia ưa chuộng và cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nhiều nước.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, 7 tháng năm 2021, trong khi gạo từ nhiều nước nhập khẩu vào Australia giảm mạnh thì gạo Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, tăng hơn 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai (Sơn La) Nguyễn Bích Ngọc cho hay, công ty đã xuất khẩu hàng trăm tấn xoài tới thị trường Australia, tạo đầu ra đầy tiềm năng cho nông sản hàng hóa của tỉnh Sơn La. Mới đây, sản phẩm nước uống kiềm ion do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đã tạo ra “cơn bão” tại thị trường Australia. Lần đầu tiên, 4 container, tương đương 160.000 chai nước ion xuất khẩu sang Australia đã được tiêu thụ chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Bộ Công Thương, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hàng hóa, nông sản Việt Nam, như: Thanh long, nhãn, gạo, chè, xoài, vải sấy khô, mỳ Chũ, sầu riêng... được người tiêu dùng tại Australia lựa chọn và được bày bán rộng rãi tại nhiều siêu thị lớn, nhỏ trên khắp đất nước này.
Triển vọng xuất khẩu tôm
Mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ 1-2 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường Australia.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu năm nay, XK tôm sang thị trường Australia đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Là thị trường XK tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong 2 năm trở lại đây, giá trị XK tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Australia khá khả quan. Trong quý II/2021, có 81 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK tôm sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Minh Phú. Sản phẩm tôm XK sang thị trường Australia trong nửa đầu năm nay cũng khá đa dạng.
Australia nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng 93%, trong khi từ Thái Lan và Trung Quốc giảm lần lượt 4% và 31%.
Quảng bá thương hiệu
Để hàng hóa, nông sản Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng Australia, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại nước này đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả. Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa tổ chức “Tuần lễ dùng thử hạt điều Việt Nam” tại thành phố Melbourne (từ ngày 25/9 đến 2/10) nhằm thúc đẩy xuất khẩu hạt điều tới thị trường này.
Các chương trình xúc tiến thương mại do Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức đã tạo hiệu ứng tiêu dùng lớn đối với người dân và doanh nghiệp Australia. Các thương hiệu nông sản, hàng hóa Việt Nam ngày càng “được lòng” người tiêu dùng và có tính cạnh tranh cao tại thị trường “khó tính” này.
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) Nguyễn Thu Thủy đánh giá: “Tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Australia là rất lớn. Doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ thị trường này sẽ có cơ hội gia tăng hoạt động thương mại”.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Australia, tại hội nghị giao thương trực tuyến giới thiệu thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa khuyến nghị: “Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan xúc tiến thương mại, các địa phương, người trồng và doanh nghiệp cũng cần quan tâm sản xuất sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường”.
Đầu tư tạo vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng, sản lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng yêu cầu cao của thị trường Australia cũng là quan tâm hàng đầu của Giám đốc Nguyễn Bích Ngọc. Song theo bà Ngọc, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành nhằm giúp giảm chi phí logistics, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh cho sản phẩm...
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khẳng định, Cục sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường cho nông sản, hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Cục phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước, trong đó có Australia, tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp, nhất là trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 trên thế giới từng bước được kiểm soát, nhu cầu nhập khẩu gia tăng trở lại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã