Đó là công nghệ sáng tạo của Công ty Cổ phần Vifarm (đường Ven biển, phường 12, TP. Vũng Tàu) do chàng trai sinh năm 1986, Cao Nhật Anh Tú làm chủ.
Trang trại rau hữu cơ của Vifarm ở đường Ven Biển, phường 12, TP. Vũng Tàu rộng hơn 4.000m2, nhưng chỉ có 2 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch. Muốn vào thăm trang trại, phải qua nhiều lớp cửa, khử trùng.
Trang trại chia từng khu riêng, như khu trồng rau thủy canh hồi lưu, trồng các loại rau ăn lá như rau muống, cải thìa, cải ngọt, xà lách tím...; khu trồng rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trồng các loại rau ăn trái như dưa leo Hà Lan, cà chua bi, bí, mướp, dưa lưới…
Riêng dưa leo, khi trưởng thành có thể đạt 300 gram/trái. Tất cả các loại rau, quả trồng tại trang trại Vifarm, có thể hái ăn trực tiếp tại chỗ, không cần qua bất cứ khâu sơ chế nào. Bởi, môi trường nơi đây sạch tuyệt đối. Các sản phẩm trồng đều qua quy trình khoa học vô cùng nghiêm ngặt.
Trò chuyện với ông chủ trẻ Anh Tú, tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết Tú không học chuyên ngành nông nghiệp, mà là kỹ sư ngành dầu khí. Nhưng Tú cho biết, kiến thức về công nghệ, kỹ thuật ngành dầu khí lại chính là một ưu thế giúp Tú mày mò, cải tạo thành công hệ thống công nghệ trồng rau hữu cơ của Israel.
Anh Tú kể: Năm 2015, Tú cùng anh bạn là Cao Xuân Mạnh, rủ nhau làm trang trại trồng rau hữu cơ để sử dụng trong gia đình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, hai người quyết định chọn công nghệ trồng rau của Israel. Sau đó, đặt mua hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động về mày mò nghiên cứu, điều chỉnh lại để phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu thực tế tại Vũng Tàu.
Xơ dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, một số hạt giống là của Việt Nam, nhiều loại hạt giống khác và các loại phân vi sinh thì nhập từ nước ngoài. Sau đó, thuê kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm.
"Ban đầu, chỉ trồng thử nghiệm một số loại, mỗi loại một ít để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, có đạt năng suất như kỳ vọng hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng và trồng đại trà”, Tú nói.
Sau đó, việc trồng rau khá thuận lợi, nhiều người đặt mua. Xác định nhu cầu sản phẩm rau hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng lớn, và xu hướng là “sạch”, nên từ ý tưởng ban đầu là trồng để tự cung tự cấp cho gia đình, Tú và anh Mạnh đã quyết định đầu tư, mở rộng diện tích để cung cấp cho thị trường. Năm 2016, họ đã đầu tư thêm 2ha ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và năm 2017 đầu tư thêm một trang trại rộng đến 30ha ở tỉnh Kon Tum.
Cao Nhật Anh Tú, ông chủ Vifarm cho biết, các khu trồng rau, củ quả đều được bảo vệ tuyệt đối bằng nhà màng và các công nghệ tưới tiết kiệm bán tự động của Israel. Toàn bộ quy trình, từ lúc gieo hạt đến khâu cuối cùng là thu hoạch, bảo quản đều được kiểm soát nghiêm ngặt bằng hệ thống máy tính và ứng dụng IoT (Internet of Things). Ví dụ xơ dừa trước khi đưa vào sử dụng, đều phải qua chiếu tia UV tiệt trùng nhằm loại bỏ các thành phần kim loại nặng.
Chất dinh dưỡng cho rau được pha theo một quy trình đã được lập trình, kiểm duyệt, theo hệ thống dẫn nước đi đến bên dưới các giá thể cung cấp cho cây. Với hệ thống này, nước sau khi sử dụng sẽ được hồi lưu tuần hoàn sử dụng tiếp tục cho đến khi lượng chất dinh dưỡng trong nước giảm dưới mức cho phép thì được đưa vào bể xử lý để tái sử dụng.
Các thông tin như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đều được kiểm soát tự động, tạo môi trường tốt nhất cho cây phát triển. Khi thời tiết bên ngoài (như nhiệt độ, độ ẩm…) thay đổi, hệ thống máy tính sẽ tự động kích hoạt để bổ sung các điều kiện thiết yếu cho rau.
“Mức đầu tư ban đầu cho mô hình công nghệ cao khá cao, nhưng đó chính là con đường để phát triển bền vững và cơ hội để vươn ra ngoài biên giới Việt Nam”, Cao Nhật Anh Tú chia sẻ.
Hiện nay, toàn bộ sản phẩm của ViFarm đều có mã truy xuất nguồn gốc; tiêu chuẩn rau an toàn được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. HCM (CASE).
Mặc dù chỉ mới thành lập vài năm, nhưng Vifarm đã gặt hái khá nhiều thành công, trở thành trang trại công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Vifarm cũng là đơn vị được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn tham gia triển lãm giới thiệu mô hình trang trại ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt hơn, sau khi thành lập chỉ 2 năm, Vifarm đã được một doanh nghiệp ở Singapore “để mắt” đến và ngỏ ý muốn hợp tác. “Sau khi kết nối, qua lại tìm hiểu một thời gian, chúng tôi chính thức đặt bút ký thoả thuận hợp tác với Công ty DL Edvance PTE LTD của Singapore và trở thành đối tác từ ngày 10/3/2018”, Cao Nhật Anh Tú cho biết.
Trước câu hỏi: Vì sao đối tác nước ngoài lại chọn một doanh nghiệp mới có 2 tuổi đời làm đối tác? Anh Tú cho biết: Đảo quốc Sư tử là nơi mà diện tích đất nông nghiệp rất ít ỏi, chi phí vận hành lại cao.
Cho nên, lý do chính họ chọn Vifarm để hợp tác, đưa mô hình này đến Singapore và các nước trên thế giới chính là công nghệ. Công nghệ mà Vifarm đang áp dụng đã được cải tiến, có tính ưu việt cao, đó là không sử dụng nhiều năng lượng, là một hệ thống tự động hoàn toàn, giúp cho việc nuôi trồng hiệu quả cao hơn, mô hình rất phù hợp với những diện tích nhỏ, ít đất như đất nước Singapore.
Ví dụ, với diện tích 52 giàn rau thuỷ canh hồi lưu, nếu trồng theo phương pháp truyền thống, phải cần diện tích từ 1,2 - 1,4ha.
Ngoài ra, sản phẩm đã được khẳng định về chất lượng. Vifarm có lợi thế là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, cho ra các sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, tiết giảm chi phí trong vận hành cũng như con người và điều hành doanh nghiệp.
Cao Nhật Anh Tú cho biết, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ giúp cho quá trình sản xuất rau sạch và các sản phẩm nông sản tại Singapore hiệu quả hơn, mang lại sản lượng cao hơn trên cùng một diện tích cũng như tiết giảm chi phí về dinh dưỡng, quản lý, vận hành và nuôi trồng. Đồng thời, khi ứng dụng công nghệ cao, doanh thu vượt trội so với sản xuất thông thường.
Theo thỏa thuận, Công ty DL Edvance Singapore hỗ trợ Vifarm trong việc xây dựng thương hiệu, marketing và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, trong đó bao gồm các sản phẩm nông sản và công nghệ.
Phía Vifarm sẽ chuyển giao công nghệ trồng rau sạch mà Vifarm đang áp dụng. Theo đó, Vifarm đang sở hữu những công nghệ tiên tiến như hệ thống nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT) nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất cho cây.
Thời điểm ký kết hợp tác, ông Edwin, Giám đốc Công ty DL Edvance Singapore cho biết, hợp tác giữa hai bên dựa trên cơ sở cùng có lợi và bày tỏ mong muốn thông qua mạng lưới kết nối của mình để đưa mô hình công nghệ này không chỉ áp dụng tại Singapore, mà còn ra thế giới.
Hiện DL Edvance Singapore đã làm việc với một số đối tác ở các nước trong khu vực để có thể sớm triển khai mô hình này trong năm nay.
ViFarm đặt ra sứ mệnh cho mình là lan tỏa mô hình nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người Việt, ghi dấu ấn cho hệ thống nông sản “made in Vietnam”. Trước mắt, Vifarm có 3 mục tiêu, đó là: Trở thành một trong những đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản hàng đầu Việt Nam; chuyển giao công nghệ, quy trình và trang thiết bị công nghệ cao trong nông nghiệp; trở thành viện đào tạo nông nghiệp công nghệ cao “thực tiễn” và “hiệu quả” nhất Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã