3 doanh nghiệp triển khai xuất khẩu các lô vải thiều đầu tiên của vụ thu hoạch năm nay gồm Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Toàn Cầu.
Dự kiến, các lô vải thiều xuất khẩu đầu tiên của các doanh nghiệp này khoảng 15 tấn, có bảo quản lạnh để xuất khẩu sanhg Nhật Bản bằng đường hàng không.
Cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục BVTV đã có mặt tại Lục Ngạn (Bắc Giang), sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai công tác kiểm dịch thực vật cho vải thiều xuất khẩu. Ảnh: PPD.
Được biết, trong đợt thu mua đầu mùa này, các vùng vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật đang được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua trong khoảng 22 – 30 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg so với tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), các lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide theo yêu cầu của phía Nhật tại cơ sở xử lý xông hơi của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang). Đây là cơ sở xông hơi khử trùng đã được Cục BVTV cũng như cơ quan kiểm dịch thực vật của Nhật kiểm tra, công nhận đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của phía Nhật.
Cơ sở xông hơi khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: PPD.
Cũng theo Cục BVTV, do điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhất là tại Bắc Giang đang hết sức phức tạp, nên Cục BVTV và cơ quan kiểm dịch của Nhật Bản đã sớm làm việc, thống nhất một quy trình ủy quyền tạm thời cho phía Việt Nam thực hiện quá trình giám sát, xử lý các thủ tục về kiểm dịch.
Nhằm đảm bảo để vải thiều xuất khẩu thuận lợi nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục BVTV sẽ triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát, lấy mẫu kiểm tra và kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngay tại chỗ (tại cơ sở xông hơi của Công ty Toàn Cầu).
Từ ngày 24/5, Cục BVTV cũng đã cử nhóm cán bộ kiểm dịch thực vật thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng V (Hà Nội) lên Lục Ngạn để hỗ trợ, triển khai các công tác kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Dây chuyền xử lý bảo quản vải thiều phục vụ xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn đã hoạt động. Ảnh: PPD.
Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục BVTV và tỉnh Bắc Giang cũng đã sớm làm việc và thống nhất cơ chế đặc biệt, cho phép các cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục BVTV được phép vào huyện Lục Ngạn để hỗ trợ công tác kiểm dịch thực vật cho việc xuất khẩu vải thiều.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Cục BVTV phối hợp với tỉnh Bắc Giang đã bố trí chặt chẽ các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc 5K, phối hợp với địa phương từ sớm để tạo điều kiện không chỉ cho công tác chuyên môn của Cục BVTV, mà còn tạo thông suốt cho việc thu mua, xử lý, xuất khẩu của các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu, các hoạt động logistic.
Các lô vải thiều của Hải Dương xuất khẩu sang Nhật đã thông quan thành công và có mặt tại thị trường này. Ảnh: PPD.
Cục BVTV cũng thường xuyên phối hợp với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) nhằm vận hành, triển khai các dây chuyền công nghệ xử lý sơ chế, bảo quản sau thu hoạch một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu với mục tiêu vừa chống dịch, vừa không làm gián đoạn hoạt động thu hoạch, thu mua, xuất khẩu vải thiều trong vụ thu hoạch 2021.
Do điều kiện dịch Covid-19, các cán bộ kiểm dịch của Cục BVTV sẽ ở lại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để hỗ trợ, giám sát và thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật không chỉ cho việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mà còn các thị trường khác như Trung Quốc, Mỹ, Úc, các nước ASEAN… cho tới hết vụ thu hoạch vải năm nay.
Xử lí bằng công nghệ bảo quản sau thu hoạch các lô vải thiều tại Hải Dương. Ảnh: PPD.
Được biết thời gian qua, các kết quả đàm phán về quy trình, quy định kiểm dịch thực vật đã được Cục BVTV liên tục làm việc với phía Nhật Bản, và đã liên tục thông báo, cập nhật cho địa phương, các doanh nghiệp. Các câu hỏi của doanh nghiệp, địa phương, các đơn vị phối hợp đã được Cục BVTV tổng hợp và hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên đến nay, việc triển khai xuất khẩu diễn ra hết sức thuận lợi.
Tại Hải Dương, các lô vải thiều xuất khẩu đầu tiên đã diễn ra thuận lợi và thông quan thành công, chính thức có mặt tại thị trường Nhật Bản từ ngày 23/5. Hiện đã có 5 lô vải Hải Dương được xuất sang Nhật bằng đường hàng không, với lượng khoảng 7 -8 tấn ...
Chất lượng vải tại thị trường Nhật Bản được khách hàng đánh giá tốt hơn năm ngoái. Tất cả các lô vải của Hải Dương xuất sang Nhật đều được xử lý kiểm dịch bằng xông hơi khử trùng ở khu xử lý của Cục BVTV tại Hà Nội.
https://nongnghiep.vn/vuot-kho-khan-dich-benh-vai-thieu-bang-bang-sang-nhat-d291962.html
Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố