Đối mặt rào cản
Theo Tổng cục Thủy sản, những tháng đầu năm 2018, cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Cụ thể tại Hoa Kỳ, tháng 3/2018, Bộ Thương mại (DOC) nước này đã công bố 9 doanh nghiệp (DN) Việt Nam nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87 lên 7,74 USD/kg) đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Một số quốc gia cũng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, quy trình sản xuất cũng như thực hiện một số biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước đã gây khó cho việc xuất khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, thị trường Arab Saudi và khối các nước Hồi giáo Trung Đông có nhiều quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal (thức ăn không có nguồn gốc từ bột máu, protein động vật...), mật độ nuôi đến cách chế biến/giết mổ động vật và kiểm soát trong toàn chuỗi. Hay từ năm 2017, tất cả sản phẩm xuất khẩu sang Trung Đông phải được chứng nhận Halal. DN xuất khẩu sang Arab Saudi phải đăng ký thông tin về sản phẩm và thông tin DN tại website của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này. Hiện Arab Saudi vẫn đang tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Thị trường EU cũng có những dấu hiệu trầm lắng. Trong khi thị trường Trung Quốc hiện đang là khách hàng tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam nhiều nhất, nhưng lại đang có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra rất tiềm năng cho thế giới.
Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn đạt 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, những tháng đầu năm cá tra Việt Nam vào thị trường này đạt 289,8 triệu USD, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 với giá trị đạt 255,33 triệu USD, chiếm 21,3% thị phần và tăng 15,6%. Dù có khó khăn hơn nhưng EU vẫn đứng vị trí thứ 3 với giá trị đạt 139,13 triệu USD, chiếm 11,6% thị phần xuất khẩu và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil, Colombia, UAE...
Quy hoạch lại
Phát biểu tại Hội nghị ngành hàng cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp ở An Giang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Giải pháp then chốt hiện nay để ngành hàng này phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu. Con giống là khâu quan trọng. Khâu đầu vào phải nâng cao chất lượng để hạ giá thành nâng cao năng suất hạ giá giá thành cạnh tranh để tăng thu nhập. Bên cạnh đó môi trường nuôi cá tra phải đảm bảo sạch, để chế biến xuất khẩu mở rộng thị trường tiềm năng”.
Tới nay, tại An Giang, Bộ NNPTNT đã triển khai đề án giống cá tra 3 cấp. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT ông Vũ Văn Tám, việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ông Tám cũng lưu ý, nếu thực hiện chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng gồm tổ chức lại sản xuất góp phần truy xuất nguồn gốc; cung cấp nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá tra thương phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
“Đây là mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, hợp tác xã, tổ hợp tác các hộ sản xuất giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Mục tiêu đến năm 2020 các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống. Đến năm 2025 các chuỗi này hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL với nhu cầu toàn vùng là 2,5 - 3,0 tỷ cá tra giống”- ông Tám nhấn mạnh.
Quốc Trung (daidoanket.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã