Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực hỗ trợ các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chuỗi nông sản. Đó là các chuỗi giá trị liên kết nông dân - doanh nghiệp thông qua kết nối của các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân, đồng thời củng cố, nâng cấp liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã có tại địa phương. Tuy nhiên, mối liên kết đó dù đã “kéo” được doanh nghiệp vào cuộc từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhưng trên thực tế còn lỏng lẻo, chưa bền vững. Vì lẽ đó mà khi đã có sản phẩm, không ít hộ tham gia liên kết sản xuất đã tự phá vỡ hợp đồng bán cho tư thương bên ngoài để hưởng lợi với giá cao hơn. Hoặc về phía doanh nghiệp cũng đã xảy ra tình trạng tìm cách không thực hiện theo cam kết vì nhiều lý do. Ðiều đó dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, thua thiệt thuộc về nông dân mà cụ thể ở đây là người trồng cam.Nhằm nâng cao nhận thức cho người trồng cam là muốn sản xuất bền vững, mang lại cho nhập cao và ổn định phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và để mối liên kết được bền vững thì các hộ dân phải thay đổi phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của đơn vị thu mua.Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất cam. Trong đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật sản xuất đồng bộ, được quản lý theo yêu cầu và nâng cao năng lực sản xuấttheo định hướng thị trường. Tổ chức tọa đàm liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và tham quan học tập kinh nghiệm của các tổ liên kết khác nhằm xây dựng mối liên kết bền vững.
Điểm mới trong thực hiện mô hình là việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ sản xuất như tập trung đầu tư, thâm canh và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và đồng đều về mẫu mã. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, sản phẩm cam của các hộ tham gia mô hình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.Tiếp đến, mô hình hỗ trợ lên quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc phù hợp với quy trình hoạt động và các quy chuẩn (VietGAP, …) của doanh nghiệp đảm bảo có thể truy xuất được một đơn vị sản phẩm đến từng công đoạn của quá trình sản xuất và phân phối bao gồm hỗ trợ xây dựng biểu mẫu nhập thông tin sản xuất, nguyên liệu, phân bón, thuốc BVTV, thiết lập hệ thống phần mềm theo đúng yêu cầu, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm, các quy chuẩn về nhập liệu thời gian thực và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam trong mô hình. Hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa các hộ tham gia mô hình và doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong thông qua cuộc tọa đàm và chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An. Kết quả đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 8ha cam mô hình và 5ha cam cho các hộ dân khác trong vùng có áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với sản lượng ước tính 130 tấn và giá thu mua tại vườn là 28.000 đồng/kg đã đem đến nguồn thu nhập 3.640.000.000 đồng cho các hộ dân.
Với phương thức triển khai thực hiện từ việc áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đến truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụsản phẩmđã giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm cam có thương hiệu, được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro trước những biến động của thị trường. Đồng thời, mở rộng được quy mô, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng. Mặt khác, liên kết trong sản xuất giúp doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lýkhi chỉ cần một chiếc điện thoại smatphone là có thể biết được tất cả các thông số kỹ thuật như: diện tích, thời gian trồng, ra hoa, đậu quả, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV, thời gian thu hoạch, cách thức bảo quản, số điện thoại chủ hộ,… thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc được dán trên quả cam.
Mô hình thành công đã thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp cho các hộ tham gia mô hình cũng như các hộ dân khác trong vùng không được tham gia mô hình và cũng là “chìa khóa” để nhân rộng mô hình ra các vùng lân cận trong thời gian tới.
Theo Đặng Thị Thuận/khuyennonghatinh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã