Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối (VPĐP) Nông thôn mới Trung ương |
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP).
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Xin ông cho biết từ thực tiễn nào để hình thành nên chương trình OCOP ở Việt nam?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Chương trình OCOP có thể nói là không mới trên thế giới. Trước đây, đã có chương trình “Làng mới” của Hàn Quốc, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Nhật Bản… cũng có nhiều nội dung tương tự. Nhưng những chương trình này thường bao hàm nhiều nội dung phát triển ở nông thôn, từ hạ tầng, cơ sở sản xuất, vai trò chủ thể của người dân… Sau này, Thái Lan được coi là quốc gia thành công nhất về OCOP khi hình thành được 72.000 sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiệu quả sau 16 năm triển khai chương trình.
Cách đây 12 năm, chúng ta cũng ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, nhưng chỉ hướng vào bảo tồn các sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có sẵn chứ không phục vụ nhiều cho sự phát triển đa dạng của sản xuất ở nông thôn nói chung. Hơn nữa, chúng ta chỉ bảo tồn và phát triển sản phẩm mà không quan tâm tới sản xuất theo chuỗi, thị trường nên chương trình không mang lại hiệu quả cao, trong khi OCOP là chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm khi đã có thị trường rõ ràng.
Giai đoạn 2011-2015, thực trạng ở nông thôn của chúng ta còn hạn chế về mặt hạ tầng. Do vậy, nguồn lực cũng dồn chủ yếu cho cơ sở hạ tầng, còn lĩnh vực sản xuất không có nhiều cơ chế chính sách mới. Cũng chính vì thế, trong chương trình giám sát của Quốc hội giai đoạn này có nêu lên vấn đề là chưa thấy sự gắn kết giữa chương trình Mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới (NTM) và chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNN).
Nhìn nhận lại, chúng tôi nhận định giai đoạn 2 này phải đi sâu vào những vấn đề tiêu chí thực chất, đặc biệt là thu nhập người dân gắn với sản xuất, môi trường, văn hóa… OCOP được bắt đầu triển khai sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ gắn kết này.
Đây là thời điểm chín muồi để triển khai OCOP khi sau 6 năm tập trung đầu tư đến nay, cơ sở hạ tầng, thậm chí ở các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa đã được nâng cao, sẵn sàng phục vụ hiệu quả cho sản xuất, lưu thông hàng hoá. Qua công tác khảo sát các địa phương, chúng tôi cũng thấy từ người dân và chính quyền nhiều nơi đã thay đổi về nhận thức và tập trung cho sản xuất, kinh tế nông nghiệp.
Thực tế trong 4 năm qua, một số địa phương đã bắt đầu triển khai OCOP mà Quảng Ninh nổi lên là địa phương đi đầu với nhiều kết quả đáng khích lệ để chúng ta triển khai nhân rộng ra toàn quốc.
Khách tham quan mua sắm các sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Tên của chương trình là “mỗi xã một sản phẩm”, nhưng nhiều xã, trong số 9.000 xã của cả nước có điều kiện tự nhiên, xã hội giống nhau. Vậy có tạo ra sự "trùng lặp" trong tổ chức sản xuất, khó phát huy được lợi thế của từng địa phương?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Mỗi xã một sản phẩm nhưng không phải là những sản phẩm khác nhau mà có thể sản xuất cùng một loại sản phẩm. Tên gọi chỉ là tương đối, quan trọng nhất ở đây là các sản phẩm được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề cao các giá trị truyền thống gắn liền với mỗi sản phẩm. Như tên gọi của nó, OCOP tập trung vào các sản phẩm nhỏ, ở các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho người dân, chứ không phải là sản phẩm quốc gia hay sản phẩm cấp tỉnh.
Ông vừa nhắc tới việc yếu tố thị trường của Chương trình OCOP sẽ dẫn dắt sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Xin nói rõ thêm về điều này?
Ông Nguyễn Minh Tiến: OCOP chuẩn hoá các sản phẩm của mỗi xã theo chu trình 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; Triển khai phương án, dự án; Đánh giá và xếp hạng sản phẩm và cuối cùng là Xúc tiến thương mại.
Chu trình này nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ở mức độ nhất định. Kinh nghiệm từ OCOP Quảng Ninh là bán các sản phẩm này ở những địa điểm du lịch nổi tiếng, hình thành các trung tâm bán các sản phẩm OCOP gắn với mỗi câu chuyện riêng có của từng sản phẩm, ở mỗi vùng đất, cộng đồng cụ thể.
Tôi cũng chia sẻ thêm qua thực tiễn, vấn đề lớn nhất với các sản phẩm OCOP không như các sản phẩm hàng hoá lớn dễ gặp phải tình trạng cung vượt cầu vì quy mô của các sản phẩm này nhỏ, lẻ, có đặc trưng riêng có, mà là chất lượng của sản phẩm theo các quy trình phải được công nhận, công khai.
Ngoài ra, OCOP sẽ phát huy chức năng tư vấn, phát triển các sản phẩm sẵn có của địa phương. Ví dụ thay vì chỉ bán nghệ, gừng, mật ong thì OCOP sẽ hỗ trợ cộng đồng sản xuất tinh nghệ nano, trà gừng, trà mật ong…
Việc giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm uy tín của sản phẩm và hơn nữa là uy tín của cộng đồng dân cư?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định sự thành bại của sản phẩm OCOP mà các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hiện, tránh xảy ra tình trạng sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí là xuất hiện hàng nhái dán nhãn OCOP.
Việc chuẩn hóa sản phẩm sẽ có những nội dung giám sát riêng về chất lượng. Ở Quảng Ninh có gần 400 sản phẩm OCOP nhưng đến nay mới có 2 sản phầm được xếp hạng 5 sao - hạng sản phẩm quốc gia hướng tới xuất khẩu. Bộ NN&PTNT có bằng đánh giá xếp hạng tương tự và hạng sao quốc gia sẽ có những tiêu chí khắt khe hơn nhưng cũng sẽ có những hỗ trợ phát triển tốt hơn. Còn các cấp chính quyền địa phương sẽ có tránh nhiệm giám sát các sản phẩm hạng dưới đó. Với các hạng sản phẩm từ 1 sao tới 5 sao, sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chúng ta có đến 40 tỷ USD nông sản xuất khẩu và rất nhiều thị trường lớn, thị trường khó tính đón nhận nông, lâm thủy sản của chúng ta, thậm chí là yêu cầu của thị trường trong nước vẫn còn rất lớn thì chắc chắn nếu làm bài bản, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tự nhiên-văn hoá của Việt Nam phong phú, đa dạng là nền tảng để phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân trong nước và quốc tế.
Điều quan trọng cần phải làm được đó là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được bán ra từ chương trình OCOP thì đều là những sản phẩm rất đáng tự hào, mỗi sản phẩm sẽ là một sứ giả của văn hóa Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Thành Hương/ Báo Chính phủ (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã