Sử dụng phân bón hữu cơ còn hạn chế
Theo nhiều chuyên gia, phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái đất, giúp cải thiện tính chất vật lý của đất và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển. Chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ đất, tránh ô nhiễm trong khai thác nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và bảo vệ môi trường lâu bền. Đây chính là cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vừng.
Mặc dù phân bón hữu cơ có nhiều ưu việt nhưng do thiếu các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam đã dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ.
Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón. Còn lại gần 94% là phân bón vô cơ (số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước gấp hơn 19 lần phân bón hữu cơ).
Tuy nhiên, trong tương lai, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, phân bón hữu cơ có rất nhiều tiềm năng để phát triển ở Việt Nam. Cụ thể, về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ là phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn. Bên cạnh đó, còn phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ.
“Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều căn cốt để chúng ta phát triển ngành này", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Còn theo số liệu cụ thể từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hằng năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ và bã các loại cây (ngô, mía...), hơn 25 triệu tấn phân gia súc, gia cầm và xác bã cá... Riêng ĐBSCL đã có hơn 23 triệu tấn rơm rạ, hơn 4,6 triệu tấn trấu và hơn 2,3 triệu tấn cám được thải ra.
Nguồn phế thải này là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu giải quyết tốt, không chỉ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch, mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến nay, việc sản xuất phân hữu cơ từ nguồn này chưa được quan tâm đúng mức.
Để phát triển phân bón hữu cơ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ.
Do đó, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, đã đến lúc cần tập trung thực hiện nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông để định hướng phát triển.
Cần có “chuẩn” cho phân bón hữu cơ
Tháng 9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Lần đầu tiên, các quy định về khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã được đưa vào một nghị định. Những quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP đã bước đầu xác định sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là nội dung quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Tuy nhiên, hiện hệ thống tiêu chuẩn về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong lĩnh vực phân bón được xây dựng.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục đã tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn; trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên đến nhóm chỉ tiêu của phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh… Mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thiện cơ bản các tiêu chuẩn về phương pháp thử để kiểm tra chất lượng phân bón.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón trong đó có các quy định cụ thể về chất lượng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh. Dự kiến sẽ trình ban hành trong tháng 5/2018.
Liên quan tới vấn đề này, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, xu thế của thế kỷ 21 là xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vì mục tiêu an toàn và chất lượng nông sản.
“Thời gian tới, những cơ quan có liên quan trong đó nòng cốt là Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và cán bộ nâng cao nhận thức về việc sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp làm tốt quy hoạch, phân vùng để định hướng sản xuất phân bón cho chuyên vùng và chuyên dùng cho các loại cây trồng.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm định, giám sát thị trường phân bón; vận động, kết nạp hội viên là những người làm việc ở hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả, các doanh nghiệp đang sử dụng phân bón hữu cơ. Cùng với đó, hỗ trợ có hiệu quả việc chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tăng cường hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, hiện đại.
Cố gắng tư vấn chuyển giao và phối hợp xây dựng được ít nhất 15 mô hình tiêu biểu về sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị trên cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2022, phấn đấu có ít nhất 30% số tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập tổ chức Hội Nông nghiệp hữu cơ; tập hợp, thu hút hội viên tham gia hiệp hội để mỗi năm tăng ít nhất 10% hội viên mới.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân, người sản xuất, nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng đào tạo, tập huấn phát triển mô hình mẫu về nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị của sản phẩm; xây dựng đội ngũ cán bộ làm đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ đáp ứnag nhu cầu xã hội và một số lĩnh vực đáp ứng tiêu chí quốc tế.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm công bố bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón hữu cơ và từ năm 2020 có lộ trình chấm dứt không phát triển và sử dụng các hóa chất trong sinh trưởng cây trồng (chấm dứt dần dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp).
Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể phân vùng thảm đất để khuyến cáo sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón chuyên dùng cho các loại cây trồng; có định hướng phát triển chăn nuôi hữu cơ và thủy sản hữu cơ để khuyến khích phát triển các tập đoàn sản xuất phân hữu cơ trong nông nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển phân bón hữu cơ. Cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, nhà sản xuất phân bón hữu cơ nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các loại phân bón, phân hữu cơ công nghệ cao.
Phong Lâm/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã