Hiệu quả kinh tế cao
Xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ. Năm 2012, HTX Nông nghiệp được tiếp cận dự án PAMSI của Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ xây dựng mô hình với diện tích 5ha. Trồng lúa hữu cơ đồng nghĩa là không dùng phân thuốc hoá học, thay vào đó là sử dụng phân chuồng ủ hoai. Quá trình chăm sóc lúa hoàn toàn thủ công, không dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu.
Trồng lúa hữu cơ mất nhiều công sức hơn nhưng lợi nhuận lại cao hơn. Ảnh: M.H.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Thượng Phúc cho hay: Sản xuất theo mô hình VietGAP đã khó, sản xuất lúa hữu cơ còn khó khăn hơn. Bởi điều kiện về môi trường đất, nước phải đạt đủ tiêu chuẩn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Ban đầu nhiều hộ trong thôn cũng không làm theo đâu, nhưng được vận động, nhiều hộ cũng nhận làm thử. Và thành quả nhận được thật không ngờ, lúa hữu cơ năng suất chỉ khoảng 43 tạ/ha, nhưng giá bán cao gấp hơn 2 lần so với lúa sản xuất thông thường.
Sau vài vụ triển khai, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, xã viên đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có hơn 70ha lúa hữu cơ với giống bắc thơm số 7. Tham gia sản xuất hữu cơ, các hộ dân phải tham gia kiểm tra chéo, có sổ ghi chép cẩn thận có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình sản xuất, để khi có vấn đề gì xảy ra sẽ tìm đến được tận nơi người chịu trách nhiệm. Nguồn nước sử dụng luôn được lọc qua than hoạt tính, phân sử dụng là phân hữu cơ, ủ 2 – 3 tháng trước khi bón xuống ruộng. Sau mỗi vụ, gạo được làm sạch theo quy trình khép kín, thanh tra chất lượng rồi đóng gói mang đến cho người tiêu dùng. Tất cả quy trình được lưu trữ trong cuốn nhật ký gieo trồng của nhóm và được giữ trong 3 năm. Khi đến kho trữ gạo thì dễ dàng nhìn thấy nhưng cuốn nhật ký dày dặn, ghi rõ ràng tỉ mỉ ngày tháng sản xuất, người chịu trách nhiệm từng khâu. Sản phẩm gạo hữu cơ của vùng đã được đăng ký nhãn hiệu, bao bì rõ ràng để tạo sự an tâm cho khách hàng.
Không chỉ Đồng Phú, mấy năm gần đây, một số địa phương đã tích cực chuyển hướng sang sản xuất lúa hữu cơ như xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, từ vụ mùa 2016 đến nay duy trì 30ha Bắc Thơm số 7. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim Đường Nguyễn Văn Nam cho hay, mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tưới dưỡng bằng nguồn nước sạch nên chất lượng gạo đảm bảo tiêu chuẩn ATTP.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa, đến nay, Hà Nội mới chỉ có sản phẩm của mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, một vài mô hình được sản xuất theo phương pháp hữu cơ như sử dụng phân bón sinh học trong sản xuất lúa tại xã Kim Đường, trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Thanh Xuân (Sóc Sơn). Toàn TP có 170ha trồng lúa hữu cơ và sản xuất theo phương thức hữu cơ trong tổng số gần 200.000ha gieo cấy hàng năm.
“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Bà Thoa cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ cần có sự tham gia của doanh nghiệp cũng như việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác và hình thành thị trường tiêu thụ. Song, yếu tố này dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Mặt khác, cơ chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được cụ thể hóa đã trở thành những rào cản khiến mô hình sản xuất lúa hữu cơ khó nhân rộng.
Hiện Bộ NNPTNT đang gấp rút hoàn thành bộ tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, đồng thời triển khai đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ. Đi đôi với quy hoạch vùng bảo vệ đất đai, nguồn nước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thường xuyên giám sát quá trình sản xuất hữu cơ... Sở sẽ tham mưu với thành phố những chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia. Khi doanh nghiệp đồng hành với nông dân thì vấn đề tiêu thụ, thị trường cũng được giải quyết.
Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phú Phạm Văn Thành cho biết: Gạo hữu cơ được bán với giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg, cao gấp 2 -3 lần thông thường, các doanh nghiệp đến tận nơi để thu mua thì bà con có thể sống khoẻ.
"Việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ không dễ dàng bởi mô hình này chỉ được phép sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp thủ công” - Bà Nguyễn Thị Thoa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã