Ngày 25/8, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN-PTNT) đã họp triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020 tại Hà Nội.
Trong thời gian tới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp Quốc gia sẽ có những hướng dẫn thêm về hoạt động tư vấn để các đơn vị tư vấn tham gia chương trình OCOP đảm bảo được các điều kiện đã đề ra mà không làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng các sản phẩm ngành nghề nông thôn: “Khi những sản phẩm này được người dân và thị trường tín nhiệm thì đó là tín hiệu tích cực. Nhưng điều tôi lo nhất là nếu có vấn đề gì ảnh hưởng thì sản phẩm OCOP sẽ mất đi giá trị. Đến lúc đấy chúng ta có tập trung để đẩy lên thì cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Cái chính là chất lượng sản phẩm, giá trị sản phẩm chứ không phải là danh hiệu sản phẩm nông nghiệp số 1 Việt Nam.”
“Chúng ta phải xác định rõ không được đặt tiêu chuẩn OCOP là số 1 quốc gia. Đây là sản phẩm của ngành nghề nông thôn, nâng giá trị sản phẩm nông thôn trong chương trình nông thôn mới. Tất cả mọi người cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Vì khi mà sản phẩm bị người tiêu dùng đánh giá thấp thì công sức của chúng ta bỏ ra mấy năm nay đều đổ sông đổ bể hết”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ ra điểm mấu chốt trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm nông thôn là làm sao cho mọi người thấy được ý nghĩa, chất lượng của sản phẩm OCOP chứ đừng quan niệm sản phẩm đó mang danh hiệu gì.
“Đó là tiêu chí tiên quyết! Ta mà cứ say sưa quan niệm nó là sản phẩm số 1 quốc gia, sau này đổ vỡ là thành công cốc. Ta hãy chỉ coi nó là sản phẩm của ngành nghề nông thôn có chất lượng”, ông Nam nói.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang triển khai với một số tên gọi khác nhau nhưng đều có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị hành chính làng, xã, huyện thị để phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao.
Với quan điểm, phát triển kinh tế nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020”.
Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình được tổ chức triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, đã có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng cho 1.823 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao và 4 sao, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.
Hiện nay, căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg; Quyết định số 781/QĐ-TTg, đã có 28 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao được các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá, phân hạng.
"Các địa phương đang trông chờ công tác đánh giá, chấm điểm các sản phẩm OCOP với nhiều mong muốn khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cần phải cẩn thận đánh giá đúng chất lượng sản phẩm thì mới tạo dựng được uy tín. Nếu bị cuốn theo áp lực từ các nơi thì ta sẽ không đáp ứng được lòng mong mỏi của những người thực sự muốn phát triển thị trường OCOP", Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã