Sáng 8/10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn giám sát “Kết quả thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020” tổ chức làm việc với UBND tỉnh nghe báo cáo về công tác triển khai, kết quả thực hiện chương trình OCOP trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y chủ trì buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y chủ trì buổi làm việc.
Với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự hưởng ứng, nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, chương trình OCOP đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn trên địa bàn tỉnh. Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tổ chức thực hiện tốt chương trình.
Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Nguyễn Hữu Dực trình bày báo cáo kết quả thực hiện chương trình OCOP Hà Tĩnh giai doạn 2018 - 2020, nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ chương trình OCOP và ưu tiên các nguồn lực thực hiện với những nội dung chính như: xây dựng phương án, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị; xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Giai đoạn 2018 - 2020, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là hơn 668,37 tỷ đồng.
Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn 2018 - 2020 tại các địa phương.
Công tác tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh với nhiều cách làm sáng tạo và đa dạng. Các đơn vị truyền thông đã xây dựng các chuyên đề, chuyên mục và phát sóng, đăng tải các phóng sự, bản tin về chương trình, các hoạt động của lãnh đạo tỉnh, của các sở, ngành và các địa phương trong quá trình triển thực hiện.
Đặc biệt, năm 2020, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Chương trình “Gameshow OCOP là gì?” tại 3 huyện (Kỳ Anh, Nghi Xuân, Đức Thọ).
Cùng với đó, hàng năm, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về các nội dung của chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chú trọng hướng dẫn triển khai lập phương án sản xuất kinh doanh, tập huấn bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; công tác quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Ngành Nông nghiệp đã đồng hành cùng người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa các giống cây, con mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đã được quan tâm cao nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đến nay, sản phẩm OCOP đã có bán tại 13 cửa hàng ở các huyện, thành phố.
Từ đó, nhiều sản phẩm bước đầu được khách hàng đánh giá cao và biết điến như: nhung hươu Hương Sơn, cam giòn Thượng Lộc, nem chua Ý Bình, cu đơ Phong Nga,... Các chủ cơ sở cũng đã chủ động xây dựng Fanpage, Website để bán hàng qua mạng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa: Trong quá trình một số cửa hàng OCOP tại các huyện chưa phát huy được vai trò, các sản phẩm thị trường đầu ra kém ổn định, chưa chú trọng đến việc xúc tiến thương mại.
Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất, doanh số bán hàng tăng nhanh, bình quân tăng 36%...
Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái nhưng nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước như: Nem chua Ý Bình, nước mắm Luận Nghiệp, giò me Tiến Giáp,...
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn: Áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng nhận diện thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng là những biện pháp hiệu quả, cần quan tâm để nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện chặt chẽ, công khai, kết quả đánh giá đã tạo được uy tín, thuyết phục cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Năm 2019, tỉnh đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 69 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao; năm 2020, dự kiến có hơn 90 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên trên 162 sản phẩm.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuý Nga: Nhiều hợp tác xã còn vướng về đất đai, thiếu điều kiện để sản xuất, đề nghị các sở, ngành liên quan cần xem xét cụ thể trong thời gian tới để các cơ sở mở rộng được quy mô.
Tuy nhiên, theo phân tích, đánh giá của các đại biểu, thành viên đoàn giám sát, quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và năng lực quản trị còn yếu; thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; chưa hiểu rõ về quản lý chất lượng sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Tuy đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu nhưng quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và năng lực quản trị còn yếu, nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, không thực sự đầu tư mạnh để mở rộng quy mô, hệ thống dây chuyền sản xuất.
Đây là chương trình mới nên đội ngũ tư vấn hỗ trợ chương trình năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là trong vấn đề chiến lược phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại; nâng cao chất lượng sản phẩm,... Sản phẩm tham gia chương trình OCOP chưa đa dạng, phong phú; sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu: Tiến độ thực hiện chương trình OCOP năm 2020 còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid - 19; cần rà soát lại hoạt động của một số điểm bán hàng OCOP được hưởng chính sách của tỉnh và nghiên cứu tập trung đầu tư vào các sản phẩm thực sự có chất lượng, không dàn trải.
Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp để thực hiện chương trình trong giai đoạn mới như: tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm mới và củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP lên thứ hạng sao cao hơn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chương trình; tăng cường công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, đề nghị các địa phương, sở, ngành đánh giá cụ thể kết quả giai đoạn 2018 - 2020 để rút kinh nghiệm, nhìn ra các vấn đề bất cập nhằm đề xuất các chính sách phù hợp, sát với thực tiễn, tiếp tục thực hiện chương trình tốt hơn trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng cần xác định ra các điểm nghẽn để từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển như: thủ tục về đất đai, cách thức tiếp cận các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tư vấn, hướng dẫn...
Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo, đôn đốc, chủ động sớm xây dựng Đề án và chính sách thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai trong nhiệm kỳ mới.
Đoàn giám sát “Kết quả thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020” tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo Thái Oanh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã