Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Phát triển công thương (Sở Công Thương), đơn vị phụ trách các hoạt động xúc tiến thương mại, chia sẻ: Dù tình hình đang dần ổn định sau "bão" Covid 19, nhưng nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có OCOP vẫn bị ảnh hưởng. Thực tế, chuỗi kết nối cung - cầu đứt gãy, cần quan tâm nhất là "tiếp sức" doanh nghiệp phục hồi với xu thế chung là bán hàng trên tất cả các kênh trực tiếp, thương mại điện tử; thay đổi hình thức, chất lượng nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc kết nối cung cầu nội địa, trong tỉnh và giữa các tỉnh sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân các địa phương nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, hướng đến ổn định sản xuất.
Theo hướng này, thị trường nội địa trong tỉnh và các hoạt động xúc tiến, hội chợ trong nước được coi là ưu tiên, có tầm quan trọng vượt bậc. Một trong những hoạt động đầu tiên đó là Hội chợ OCOP hè 2020 tổ chức vào tháng 5 vừa qua, đây cũng là hoạt động đầu tiên khởi động cho hoạt động xúc tiến thương mại trong toàn quốc.
Hội chợ OCOP hè 2020 - hội chợ đầu tiên sau dịch là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại nhu cầu thị trường, có kế hoạch cụ thể trong tương lai.
Hiệu ứng từ Hội chợ này là cơ sở để một loạt các hoạt động xúc tiến trong và ngoài tỉnh được ưu tiên dự kiến như: Hội chợ OCOP tháng 10 ở Big C Thăng Long (Hà Nội), các tuần OCOP trong tỉnh, Hội chợ OCOP chào mừng 2/9 ở Big C Hạ Long... Đây là các hoạt động thường niên được Trung tâm định hướng tái khởi động, nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu dùng, các sự kiện này đều được tổ chức với quy mô tối đa từ 30 - 40 gian ở sự kiện nhỏ tới 200 - 300 gian ở sự kiện lớn.
Đồng thời, Trung tâm cũng tranh thủ nguồn lực, tiến hành chiêu thương, lựa chọn doanh nghiệp tham gia các sự kiện theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia như tham gia các sự kiện lớn về sản phẩm, nông sản ở các địa phương, các thị trường ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Một trong những trọng tâm là thúc đẩy kết nối, kích cầu gắn với các sự kiện du lịch. Trung tâm vận dụng Nghị quyết của tỉnh về hỗ trợ mở điểm bán hàng tại các điểm du lịch, có tác dụng quảng bá lớn. Chương trình dự kiến kết hợp của doanh nghiệp mở các điểm bán hàng ở Sun World, Sân bay Vân Đồn… trong mùa du lịch để quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng lên dự kiến kế hoạch tổ chức thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử giai đoạn 2020-2025. Trước mắt chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách sử dụng công nghệ, các phương tiện, các phần mềm thông dụng... để hoàn thiện cơ sở dữ liệu trên hệ thống thương mại điện tử hiện có; xây dựng dữ liệu theo hướng tích hợp đồng bộ trên một hệ thống để doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng; tập huấn cho các đơn vị, doanh nghiệp OCOP.
Qua thực tế, Hội chợ OCOP Hè 2020 vừa qua, hoạt động đầu tiên được tổ chức trong cả nước sau dịch, cho thấy hiệu quả cao với sự tham gia của khoảng 350 gian hàng. Qua 7 ngày tổ chức đã thu hút trên 129.000 lượt người mua sắm, tổng doanh thu trên 12 tỷ đồng, trong đó doanh thu gian hàng OCOP Quảng Ninh đạt trên 6,5 tỷ đồng.
Có thể thấy, những tín hiệu kết nối cung cầu tích cực trên cho thấy cần thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến, đổi mới cách thức, nâng cao chất lượng...để giúp các doanh nghiệp phục hồi, mở rộng thị trường đặc biệt khi các kế hoạch, chương trình kết nối đã được cơ bản xác định.
Theo Hà Phong/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã