Văn Bàn là địa phương có nhiều sản phẩm thế mạnh, nhưng sau hơn 2 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm chủ lực”, đến nay huyện Văn Bàn mới có có 02 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn. Theo kế hoạch, năm 2020, huyện Văn Bàn phấn đấu có 24 sản phẩm OCOP, trong đó 21 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 2 sản phẩm thuộc ngành thảo dược, 1 sản phẩm thuộc ngành đồ uống.
Để đạt được chỉ tiêu trên, hiện nay huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm; Rà soát xây dựng quy hoạch, phát triển làng nghề truyền thống; Trú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; Phát triển khoa học công nghệ gắn liền với bảo vệ môi trường; Huy động nguồn lực, trong đó nguồn lực chính được huy động từ cộng đồng,…
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm chủ lực” không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, chủ động của người dân. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân; góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn muốn phát triển bền vững phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe và sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Đòi hỏi các ngành, các địa phương cần chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận các thị trường mới. Bên cạnh đó muốn giữ vững và nâng cao tiêu chí sản phẩm OCOP, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, của huyện các địa phương cần xác định đây là một lộ trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ và không ngừng đổi mới, vươn lên./.