Gà là một trong những con nuôi quen thuộc, được nuôi với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nông dân chủ yếu chăn nuôi gà theo cách truyền thống nên hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng của dịch bệnh gây tổn thất lớn và ảnh hưởng đến môi trường sống, chất lượng thịt không đảm bảo. Trong khi đó, nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại nguồn thực phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao.
Hơn 2 năm nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên, bà Mai Thị Lài, ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn nhận thấy rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế do cách nuôi mới này mang lại. Bà Lài cho biết: “Khi đưa gà giống về tôi chủ yếu cho ăn bột bắp, đậu nành, gạo, lúa. Sau một thời gian khi gà lớn lên thì chuyển sang cho gà ăn ốc, bèo, rau xanh, tuyệt đối không dùng thức ăn công nghiệp. Để giúp gà phòng chống dịch bệnh, tôi ngâm tỏi vào rượu rồi hòa vào nước cho đàn gà uống hàng ngày. Sau 2 năm nuôi gà theo cách không kháng sinh, không chất cấm, phòng trị bệnh cho gà bằng thảo mộc, tôi thấy đàn gà lớn rất nhanh, đặc biệt là không có dịch bệnh, sản phẩm trứng, thịt được thị trường ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”.
Nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên dựa trên cách chăn nuôi truyền thống nhưng có áp dụng khoa học và đầu tư thâm canh. Các loại thức ăn cho gà là lúa, cám, bột ngô… hoặc thức ăn hỗn hợp được trộn từ các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như bã đậu, bã sắn, xác mắm, cám…Ưu điểm của các loại thức ăn hỗn hợp là có trong tự nhiên, không có chất kích thích tăng trưởng, không có thuốc kháng sinh, chất bảo quản nên có thể gọi là thức ăn sạch. Do đó, gà được nuôi theo phương pháp này cho thịt, trứng sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2015, với sự tài trợ của dự án KOICA- Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, mô hình chăn nuôi gà bằng phương thức canh tác tự nhiên được triển khai tại 4 xã: Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Thượng (Triệu Phong). Ban đầu có 30 hộ tham gia. Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, giống gà ri thuần và nguyên liệu làm chế phẩm chăn nuôi, trị bệnh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi như rượu, tỏi, đường… Trên cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, người dân đã biết chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vật nuôi từ nguồn thực phẩm và nguyên liệu sẵn có tại địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sau 2 năm triển khai, đến nay đã có trên 140 hộ dân chủ động tham gia chăn nuôi gà bằng phương thức canh tác tự nhiên. Thực tế cho thấy, nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên tuy đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn nhưng đổi lại sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp như vốn đầu tư ít, gà lớn nhanh, sản phẩm thịt gà săn chắc, bán trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng. Do vậy, người nuôi gà sẽ thu hồi vốn nhanh hơn, khoảng sau 4 tháng nuôi có thể xuất bán gà thịt và sau 6 tháng là gà đẻ lứa đầu tiên.
Theo tính toán của người dân cho thấy, nuôi 100 con gà sau thời gian 5 tháng, nếu không tính công lao động thì phương thức canh tác tự nhiên sẽ lãi trên 4,6 triệu đồng, trong khi đó nuôi 100 con gà bằng thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi có rút ngắn còn 4 tháng nhưng chỉ lãi được trên 1,7 triệu đồng. Từ kết quả trên có thể thấy, áp dụng phương thức canh tác tự nhiên trong chăn nuôi sẽ cho lãi cao, ít rủi ro về bệnh tật, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn so với chăn nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp. Nếu xây dựng được thương hiệu, tìm đầu ra ổn định thì giá bán sản phẩm chăn nuôi bằng phương pháp canh tác tự nhiên sẽ cao hơn và người nuôi sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn.
Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải thay đổi căn bản theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên là một cách làm hay hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Lộc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong-Quảng Trị cho biết: “Trước những hiệu quả mà mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên đem lại, tôi thấy cần nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương. Để làm được điều đó, trước tiên phải hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật làm chế phẩm vi sinh cũng như cách nuôi mới cho người dân. Tại huyện Triệu Phong hiện nay cũng đang có chủ trương nhân rộng mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên ra các xã trên địa bàn và sẽ tiếp tục hướng dẫn thêm về kỹ thuật để người dân yên tâm chăn nuôi”.
Để nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương trong tỉnh, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng và các chương trình, dự án, người dân rất cần được liên kết thị trường để có đầu ra ổn định. Đồng thời thiết lập, tổ chức các kênh cung cấp “gà sạch” cho thị trường trong tỉnh, đưa vào các siêu thị trên địa bàn và từng bước mở rộng ra thị trường trong nước. Có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định chính là động lực để người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo Thanh Lê/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã