Nguyên nhân gây ô nhiễm ao nuôi
Thức ăn thừa được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh cho cá. Bên cạnh đó, thuốc và hóa chất phân hủy không hết và tồn tại trong môi trường nước cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cá nuôi. Việc cấp nước vào ao thay nước cho cá trong suốt quá trình nuôi cũng mang vào ao một lượng phù sa lớn, nhất là thời điểm mùa lũ, nước xấu.
Theo các nhà khoa học, trung bình 1 ha nuôi cá đạt 300 tấn cá tra và phải dùng 450 - 480 tấn thức ăn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 75% lượng thức ăn này được cá sử dụng, phần còn lại là thức ăn thừa, thối rữa lắng đọng xuống đáy ao (nuôi ao đất) hoặc các con sông. Lượng thức ăn thừa kết hợp với chất thải của cá nếu không được quản lý và xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng không chỉ với cá nuôi mà còn tác động rất lớn đến môi trường sinh thái.
Thức ăn thừa được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh cho cá - Ảnh: Thanh Cường
Một số phương pháp quản lý
Khó xác định chính xác lượng thức ăn cho cá tra. Phương pháp hiện nay vẫn là cho cá tra ăn vào một thời điểm nhất định, cho ăn với số lượng lớn thức ăn. Điều này làm cho cá không ăn hết, dễ dẫn đến thừa.
Theo nhiều chuyên gia, có thể áp dụng biện pháp hạn chế khẩu phần cho cá ăn (nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước), như: cá tra, basa có trọng lượng 12 - 200 g cho ăn lượng thức ăn bằng 8 - 10% trọng lượng đàn cá, cá 200 - 300 g cho ăn 6 - 7%, từ 300 - 700 g cho ăn 4 - 5%, cá 0,8 - 1,1 kg cho ăn 1,5 - 3% trọng lượng đàn cá. Với công thức này, có thể giảm lượng thức ăn cho cá, giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nước mà cá vẫn phát triển bình thường, đảm bảo trọng lượng khi thu hoạch.
Một biện pháp được áp dụng khá thành công là loại bỏ 70 - 80% chất thải trong ao nuôi cá tra bằng cách dùng nguyên tắc "môi trường tĩnh", tạo ra một hố miệng hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn, dạng hình phễu có đáy nhỏ, sâu khoảng 1,5 m ở giữa ao. Hố này chiếm 5 - 8% diện tích ao nuôi, trên mặt hố dùng lưới ngăn không cho cá vào hố. Nước được cấp theo dòng xoáy theo thiết kế ống dẫn nước quanh ao, chất thải được lắng tụ ở giữa ao nhờ hố chứa và được dẫn ra ngoài theo đường ống dẫn.
Chất thải, nước thải trong quá trình nuôi cá tra, các chất bùn, phù sa sẽ được lắng tụ ở hố giữa đáy ao nhờ lực hướng tâm của dòng chảy. Sau đó chất thải sẽ được bơm hút hoặc đẩy ra ngoài theo đường ống. Phương pháp này có ưu điểm là dễ làm, rẻ tiền.
Một phương pháp giúp giảm ô nhiễm nước ao nuôi là có thể dùng keo tụ PAC để lắng tụ phù sa làm trong nước ao, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học là một ưu tiên đối với nuôi cá tra. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước và nền đáy. Những chế phẩm này có tác dụng phân hủy chất thải và bùn đáy, phân hủy khí độc, cải thiện chất lượng nước, tăng cường ôxy hòa tan cho ao nuôi.
Một số chế phẩm sinh học có tác dụng kích thích cá tiêu hóa thức ăn tốt hơn, thông qua việc tăng cường hệ vi sinh trong đường ruột. Trộn chế phẩm sinh học cho cá ăn sẽ giúp cá tiêu hóa thức ăn, giảm hệ số sử dụng thức ăn, đồng thời cá mau lớn hơn.
Hiện nay, nhiều công nghệ mới đang được ứng dụng để xử lý ô nhiễm môi trường cho ao nuôi cá tra; Đồng thời mở ra hướng mới trong sử dụng chất thải từ ao nuôi cá tra sau khi đã xử lý làm phân bón hoặc tái sử dụng nước cho mục đích khác. Điều này vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa bền vững với môi trường.
Đoàn Quân (thuysanvietnam.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã