1. Nhận biết lợn mang thai (nái chửa)
Để giúp người chăn nuôi có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp, đảm bảo thai phát triển bình thường và lợn mẹ khoẻ, tránh tình trạng bệnh lý cho lợn mẹ và bào thai, cần phải xác định lợn nái chửa.
Trước khi nhận biết lợn nái có thai hay không cần kiểm tra rõ một số thông tin sau:
- Thời gian phối giống cho lợn lần cuối cùng, số lần phối.
- Sau khi phối giống lợn có động dục lại không.
- Lợn có bệnh về đường sinh dục không.
- Tình hình nuôi dưỡng lợn nái.
Cách nhận biết lợn chửa
Lợn đã có chửa thường nằm sấp, thường xuất hiện trạng thái phù thũng ở tứ chi, thành bụng. Tuyến vú phát triển to lên, bè ra. Lợn yên tĩnh ăn uống tốt và ngủ ngon, bụng phát triển to lên. Lợn không có biểu hiện động dục lại sau 21 ngày kể từ lúc phối.
2. Nuôi dưỡng lợn nái chửa
Chế độ nuôi dưỡng lợn nái sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai, số lợn con sơ sinh, khối lượng và sức sống của lợn con, thể trạng của lợn mẹ, khả năng tiết sữa, khả năng động dục trở lại và thời gian sử dụng lợn mẹ. Chế độ cho ăn:
Mức ăn cho lợn nái chửa
Giống lợn/Trọng lượng lợn nái (kg) | Thức ăn/nái/ngày (kg) theo từng giai đoạn chửa của lợn (ngày) | Số bữa ăn/ngày | ||
01 - 84 ngày | 85 - 110 ngày | 111 - 114 ngày | ||
Giống nội |
|
|
|
|
50 - 65 | 1 - 1,2 | 1,4 - 1,5 | 0,8 - 1,0 | 2 |
65 - 85 | 1,2 - 1,3 | 1,5 - 1,7 | 1 - 1,2 | 2 |
Giống lai F1 |
|
|
|
|
80 - 100 | 1,3 - 1,4 | 1,5 - 1,7 | 1 - 1,2 | 2 |
100 - 120 | 1,4 - 1,5 | 1,7 - 1,9 | 1,1 - 1,3 | 2 |
120 - 140 | 1,5 - 1,8 | 1,9 - 2,2 | 1,2 - 1,4 | 2 |
140 - 160 | 1,8 - 2,0 | 2,2 - 2,5 | 1,3 - 1,5 | 2 |
Lợn ngoại |
|
|
|
|
> 130 | 2 - 2,4 | 2,5 - 2,8 | 1,4 - 1,6 | 2 |
Thức ăn và cách cho ăn
Thức ăn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, không bị ôi thiu, mốc. Cho lợn nái ăn các thức ăn bị mốc sẽ dễ gây tiêu thai, thai gỗ, sảy thai hoặc lợn con đẻ ra yếu ớt. Cho ăn đúng giờ để kích thích tính thèm ăn, khi thay đổi thức ăn phải thay đổi từ từ.
Cung cấp đủ nước sạch cho lợn uống.
Mức ăn trong một ngày của lợn nái chửa còn phụ thuộc vào thể trạng của lợn nái (gầy, béo hay bình thường). Lợn nái gầy phải cho ăn tăng, lợn nái quá béo phải giảm thức ăn đã phối trộn nhưng lại tăng thức ăn thô xanh.
Vào mùa đông, khi nhiệt độ trong chuồng nuôi dưới 15 độ C, lợn nái cần được ăn tăng thêm (0,2 - 0,3 kg thức ăn/nái/ngày) để bù vào phần năng lượng mất đi do phải chống lạnh.
3. Chăm sóc lợn nái chửa
Đảm bảo chế độ vận động cho lợn nhưng yên tĩnh và không xáo trộn đàn. Chuồng trại thoáng mát, duy trì nhiệt độ 26 - 28 độ C là tốt nhất.
| |
Hệ thống phun nước vào gáy lợn để làm mát | Vệ sinh và xoa bầu vú cho lợn chửa trước khi đẻ 7-10 ngày |
Trước khi đẻ 7 - 10 ngày cần vệ sinh và xoa bóp bầu vú cho lợn nái 1 - 2 lần/ngày để kích thích thông tia sữa.
Vệ sinh phòng bệnh: Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống và chuồng trại. Tiêm phòng cho lợn nái chửa trước thời gian dự kiến đẻ 15 ngày theo đúng qui định thú y. Có sổ và ghi đầy đủ tình trạng sức khỏe, lượng thức ăn và vắc xin phòng bệnh.
NÁI HẬU BỊ - CHỬA LỨA 1
Trước phối giống lần đầu
06 tuần 05 tuần 04 tuần 03 tuần 02 tuần 01 tuần 0
Dịch tả FarrowSure 1 FMD Tụ dấu FarrowSure 2 Phối giống
Trước ngày đẻ dự kiến
06 tuần 5 tuần 04tuần 03 tuần 02 tuần
Dịch tả Rota/E.coli 1 FMD Tụ Dấu Rota/E.coli 2
NÁI RẠ MANG THAI (tuần trước đẻ)
06 tuần 04 tuần 03 tuần 02 tuần
Dịch tả FMD Tụ Dấu Rota+E.coli
Ghi chú: Vắc xin Farrowsure: phòng bệnh pavovirus, đóng dấu lợn, bệnh xoắn khuẩn (Leptospira). Ở những vùng có bệnh tai xanh, cần tiêm vắc xin tai xanh cho lợn nái trước khi phối giống, 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.
4. Một số chú ý
Không cho lợn nái chửa ăn quá nhiều vì lợn nái béo sẽ dẫn đến: Khó đẻ; Có thể đè chết con; Tiết sữa kém.
Không để lợn nái chửa ăn quá ít, lợn sẽ bị gầy dẫn đến: Dễ mắc bệnh; Thiếu sữa nuôi con; Lợn nái hao mòn nhiều trong giai đoạn nuôi con và sẽ lâu động dục trở lại sau khi cai sữa lợn con.
Đảm bảo đủ vitamin và chất khoáng trong khẩu phần ăn
Vitamin rất quan trọng cho sự phát triển của bào thai. Thiếu vitamin lợn con sẽ phát triển chậm, sức sống kém, dễ chết yểu.
Chất khoáng rất quan trọng cho bào thai và lợn nái. Thiếu chất khoáng, xương lợn con kém phát triển, lợn nái chửa có nguy cơ bị bại liệt hai chân sau.
Một số loại thức ăn không nên dùng cho lợn nái chửa:
- Bỗng bã rượu tốt cho lợn thịt, nhưng không tốt cho lợn nái. Nếu ăn nhiều sẽ gây kích thích sẩy thai.
- Khô dầu bông có thể gây chết thai.
- Lá đu đủ tốt với nái nuôi con nhưng không tốt cho lợn nái chửa vì làm giảm nhịp đập của tim gây khả năng nuôi thai kém.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã