Đối với người nông dân phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì có lẽ ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại Thu Thủy ở thôn 10, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song là người khá...nổi tiếng.
Nói như vậy vì ông được khá nhiều cơ quan truyền thông chọn làm nhân vật phỏng vấn, vườn tiêu của gia đình ông được chụp hình, quay phim trong các phóng sự viết về nông nghiệp sinh thái, NNCNC trên địa bàn tỉnh. Thành công trong phát triển NNCNC của ông phải “nếm trải” qua rất nhiều khó khăn. Và nhiều khi ông còn bị coi là “gã khùng, gã điên”, “liều”…
Không khùng sao được khi mà vườn tiêu 3,5 ha đang xanh tốt, cho thu hoạch hằng năm với năng suất cao, ông lại thuê người về hái trụi lá để thực hiện ý tưởng ép cho vườn tiêu ra trái trái vụ. Cách làm được coi là khác người này của ông đã thành công khi ép hồ tiêu ra trái trái vụ và bán được giá cao. Tất nhiên, cách làm này còn phải áp dụng rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật cao mà qua trao đổi ông thuộc lòng như một kỹ sư thực thụ...
Ông Đinh Xuân Thu ở thôn 10, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song (bên phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về phát triển hồ tiêu sinh thái. Ảnh: Đức Hùng
Thành công trong phát triển NNCNC của ông Đinh Xuân Thu chủ yếu là tinh thần tự thân vận động, chủ động nghiên cứu, học hỏi và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Còn như tâm sự của ông thì sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước là rất ít.
Có thể nói, trong phát triển NNCNC, vai trò tiên phong của doanh nghiệp và vai trò chủ thể của nông dân là rất quan trọng. Trong đó, nông dân là lực lượng quyết định đến chương trình phát triển NNCNC. Vì trên thực tế, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện để đầu tư triển khai các dự án thông qua các mô hình, sau thành công sẽ nhân rộng áp dụng rộng rãi ra thực tiễn. Còn người dân là những người có tư liệu sản xuất, có các vườn cây công nghiệp dài ngày để triển khai các kiến thức khoa học kỹ thuật, quy trình vào quá trình sản xuất. Trong khi đó, nhà nước hỗ trợ nếu họ gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng... Công tác quy hoạch được triển khai sớm, bảo đảm phù hợp điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương...
Thành công trong phát triển NNCNC của Lâm Đồng cho thấy, Lâm Đồng đã xác định rõ phát triển NNCNC là do: Doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân thực hiện. Trong đó, nông dân là chủ thể, là lực lượng quyết định đến chương trình phát triển NNCNC. Nhà nước chỉ hỗ trợ nếu họ gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng... Lâm Đồng cũng xác định, làm NNCNC phải thực hiện nguyên tắc “4 lấy”: Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất để phát triển bền vững. Tùy theo mỗi giai đoạn thì thực hiện 4 lấy này với những yêu cầu khác nhau và ngày càng cao hơn.
Như vậy, trong phát triển NNCNC, vai trò tiên phong của doanh nghiệp, chủ thể của nông dân đã đuợc khẳng định rõ trong thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề này đối với Đắk Nông trong thời gian qua vẫn chưa được chú trọng. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có doanh nghiệp nào được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Còn về phía người nông dân, chủ thể của phát triển NNCNC lại chưa được xem trọng vai trò. Người nông dân chủ yếu là tự “bơi” mà rất ít có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển NNCNC mới đây, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đánh giá việc thực hiện nghị quyết qua thực tế hiệu quả trong cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, vai trò của Đảng, Nhà nước trong công tác này chưa nhiều mà chủ yếu là nông dân tự làm là chính. Các mô hình chủ yếu là nhà nước đi theo nông dân lấy kết quả của nông dân để đánh giá, tổng kết chứ vai trò đi đầu hướng dẫn của Nhà nước chưa cao. Ngành Nông nghiệp đến nay vẫn chưa tham mưu được cho tỉnh một chính sách cụ thể triển khai nghị quyết mà chỉ chung chung, hỗ trợ còn ít và bất cập trong thực tế. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ dân, quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với cây, con chủ lực, tích tụ ruộng đất, lồng ghép vốn của các chương trình, dự án... chưa cụ thể, rõ ràng.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy Đắk Nông cũng chỉ đạo, việc phát triển NNCNC phải lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn, kinh tế hợp tác xã làm động lực then chốt, người dân là vệ tinh gắn với vấn đề khởi nghiệp. Vấn đề quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh đẩy nhanh việc quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông trình Thường trực Tỉnh ủy 2 vấn đề về quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, chính sách hỗ trợ để chuẩn bị thông qua HĐND tỉnh. Ngành Nông nghiệp khảo sát, đánh giá các cơ sở để sản xuất bền vững, có sự định hướng, khuyến cáo nông dân mạnh mẽ hơn, nhất là đối với các loại cây trồng chủ lực.
Đắk Nông hiện nay có nhiều tiềm năng để phát triển NNCNC. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế này chỉ được phát huy đạt kết quả cao ngoài cơ chế, chính sách thì vai trò tiên phong của doanh nghiệp và vai trò chủ thể của nông dân phải được coi trọng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã