Đề tài được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016), do Tiến sỹ Nguyễn Thị Lân, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên làm chủ nhiệm. Theo điều tra, khảo sát của đơn vị thực hiện đề tài, tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có gần 200 giống lúa, trong đó tỉnh Tuyên Quang có nhiều giống lúa địa phương như khẩu pái, khẩu lường ván, khẩu mò, nếp râu, nếp bã trầu... là những giống lúa có chất lượng ngon, được nông dân trồng để sử dụng trong những dịp lễ Tết.
Các giống lúa này được trồng chủ yếu ở các huyện Nà Hang, Hàm Yên với diện tích mỗi loại giống khoảng 10 ha. Để mở rộng diện tích, phát triển sang các địa phương khác thì cần khôi phục các giống lúa cho đúng giống gốc và xác định biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Giống lúa khẩu lường ván được trồng thí điểm tại xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đưa 2 giống lúa vào nghiên cứu là giống khẩu pái và khẩu lường ván. Cả 2 giống lúa này đều được người dân ở các xã Yên Thuận, Phù Lưu (Hàm Yên) và xã Thượng Giáp (Nà Hang) gieo trồng, năng suất chỉ đạt từ 0,8 - 0,9 tạ/sào, tương đương 20 - 25 tạ/ha. Sản lượng này thấp hơn rất nhiều so với năng suất trên lý thuyết.
Nguyên nhân có thể do người dân cấy mạ già và số dảnh cấy nhiều dẫn đến khả năng đẻ nhánh thấp. Tuy đã chú trọng bón phân khoáng như đạm, lân, kali cho lúa nhưng không sử dụng phân chuồng và lượng phân bón chưa cân đối làm ảnh hưởng đến năng suất lúa...
Để phục tráng giống lúa khẩu pái và khẩu lường ván, đơn vị thực hiện dự án lựa chọn trồng thí điểm qua 3 vụ mùa tại xã Yên Thuận (Hàm Yên) với tổng diện tích gieo trồng 2 giống là 1.980 m2/vụ. Vụ 1 theo dõi 300 cá thể/giống, chọn được 100 cá thể/giống; vụ 2 cấy 50 dòng/giống, chọn được 10 dòng/giống.
Năng suất các dòng đạt từ 41,83 - 44,67 tạ/ha (giống khẩu pái) và 42,58 - 46,94 tạ/ha (giống khẩu lường ván); vụ 3 cấy 10 dòng, chọn được 5 dòng ưu tú/giống. Năng suất trung bình giống khẩu pái đạt 42,94 tạ/ha cao hơn năng suất của giống lúa này khi chưa chọn lọc là 7,22 tạ/ha; giống khẩu lường ván đạt 44,52 tạ/ha cao hơn năng suất của giống lúa này khi chưa được chọn lọc là 8 tạ/ha.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 100 kg hạt giống siêu nguyên chủng, trong đó mỗi giống là 50 kg. Chất lượng cơm của 2 giống lúa này theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì giống lúa khẩu pái có chất lượng cơm đạt loại khá, giống lúa khẩu lường ván có chất lượng cơm đạt loại tốt.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lân, Chủ nhiệm đề tài, ngoài việc sản xuất được hạt giống siêu nguyên chủng, nhóm nghiên cứu đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật phục tráng giống và kỹ thuật trồng lúa đặc sản địa phương cho 15 cán bộ kỹ thuật, 105 lượt người dân; đưa ra một số biện pháp kỹ thuật nhằm hoàn thiện quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất 2 giống lúa đặc sản trên như: Thời gian gieo trồng tốt nhất đối với giống khẩu pái là giữa tháng 5, đối với giống khẩu lường ván là cuối tháng 5; cả 2 giống lúa đều có thể cấy với mật độ từ 30 - 35 khóm/m2...
Việc thực hiện đề tài đã thu được kết quả tích cực, mở ra hy vọng phát triển trên diện rộng, góp phần bảo tồn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã