Sữa được vắt ngày hai lần sáng và chiều. Buổi sáng thường từ lúc 7 giờ và chiều vào lúc 16 giờ.
Khu vực vắt sữa: Có thể là ngay tại nơi bò sống hàng ngày trong chuồng, tại chuồng ép sữa hoặc khu sân thoáng mát gần trại, tất cả phải được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Đối với những nơi có diện tích đất rộng, tốt nhất nên bố trí nơi vắt sữa riêng biệt.
Người vắt sữa, giờ vắt sữa: Vắt đúng giờ, cố định người vắt để tạo phản xạ xuống sữa. Công nhân vắt sữa phải đảm bảo không mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, móng tay luôn cắt ngắn. Sử dụng quần áo chuyên dùng để đi vắt sữa. Trước khi vắt sữa, phải rửa tay với xà phòng, kỳ chải móng tay và lau khô cẩn thận bằng khăn sạch.
Dụng cụ vắt sữa: phải được vệ sinh sạch sẽ. Các dụng cụ chứa sữa phải chuyên biệt, không dùng cho mục đích khác, được làm bằng nhôm để dễ vệ sinh, tẩy trùng. Bình chứa sữa sau khi vắt, vải lọc sữa, phễu lọc sữa cần được cọ rửa cẩn thận bằng nước nóng và xà phòng (không dùng xà phòng thơm vì lưu mùi lẫn với sữa) sau đó phơi nắng để sát trùng, tránh nấm mốc và các mầm bệnh sinh sản, phát triển.
Lau rửa và kích thích bầu vú: Trước khi vắt sữa, khoảng nửa giờ, nên tắm chải bò hai bên sườn bò, chân sau và bụng cho sạch sẽ, dọn chuồng. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm khoảng 40 - 420C lau sạch bầu vú. Dùng tay xoa quanh bầu vú, ép chặt bầu vú, rồi vuốt nhẹ núm vú. Kế tiếp dùng hai tay nâng mạnh sàn vú lên giống như động tác thúc vú của bê. Lặp lại vài lần cho đến cho đến khi bầu vú cương cứng lên, núm vú vểnh ra là dấu hiệu sữa đã xuống đầy bầu vú.
Người vắt sữa ngồi trên 1 chiếc ghế thấp, đặt bên trái hay bên phải tùy vào thế thuận tay của mình. Chỉ cần ngồi 1 bên mà vắt được cả 4 vú chứ không cần đổi chỗ liên tục. Xô vắt sữa để trên nền chuồng gần người vắt sữa chứ không để ngay dưới bầu sữa vì tia sữa hay đi chéo về phía người vắt.
Có 2 hình thức là vắt sữa nắm và vắt vuốt:
Vắt sữa nắm: Hai tay nắm hai núm vú thật chặt bằng ngón cái và ngón trỏ, phần bàn tay còn lại dùng bóp mạnh vào bầu vú để dồn sữa xuống núm vú. Cứ bóp rồi buông theo nhịp đều tay, thỉnh thoảng thúc lên 1 cái mạnh như cách thức của bê bú mẹ để sữa xuống đều và xuống hết.
Vắt vuốt: Dùng bàn tay bóp nhẹ từng núm vú rồi thúc lên. Sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt núm vú mà vuốt cho đến khi cạn sữa. Vắt cạn vú này thì chuyển sang vú khác. Cách này là nhồi nhiều lần cho sữa xuống tối đa mới vắt kiệt.
Trong quá trình vắt, cần lưu ý một số vấn đề:
Bỏ các tia sữa đầu: Quan sát các tia sữa đầu nếu có vón cục lợn cợn hoặc chạm đến núm vú bò đã vùng vẫy, đau đớn tức bò bị viêm vú. Cần phải chữa trị ngay.
Xoa kết thúc: Vắt sữa còn khoảng 8 - 10% sữa trong bầu vú thì dừng lại tiến hành xoa kết thúc. Trước hết xoa nửa bầu vú trái rồi chuyển sang nửa bầu vú phải, giống xoa kích thích nhưng ấn mạnh hơn để dồn sữa còn lại xuống núm vú. Tiến hành vắt kiệt, vuốt kiệt để tránh tình trạng viêm vú.
Khi vắt sữa phải đều tay, cho thật nhịp nhàng, tạo được kích thích cho bò để sữa xuống đều. Sau khi vắt sữa, cân sữa, ghi vào sổ để theo dõi năng suất sữa của từng con.
Vắt sữa xong, rửa lại bầu vú bằng nước sạch, lau khô. Cần tránh cho bò nằm ngay vì vi sinh vật ở nền chuồng dễ xâm nhập vào bầu vú khi lỗ núm vú chưa kịp đóng lại. Nếu bò bị viêm vú cần điều trị ngay để tránh lây lan.
Trong quá trình vắt phải hạn chế các tác động có thể gây stress trên bò làm cản trở quá trình tiết sữa như: tiếng động hay tiếng ồn, người lạ, mùi vị lạ. Cần phải đối xử với bò nhẹ nhàng, tình cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi bò được nghe nhạc nhẹ êm dịu, cũng làm tăng tiết sữa.
Để tránh sữa bị nhiễm khuẩn, cần đảm bảo vệ sinh khi vắt sữa như trên. Sữa vắt từ bò viêm vú không được trộn chung với sữa bò lành mạnh.
Sữa sau khi vắt phải lọc bằng vải mùng sạch. Chứa vào các thùng nhôm chuyên dùng, sau đó chuyển đến nhà máy càng nhanh càng tốt (dưới 2 giờ). Trong trường hợp không thể giao sữa kịp thời cho điểm thu mua có bình chuyên dụng bảo quản thì người chăn nuôi cần nấu sôi sữa với lửa nhỏ (tránh để sôi trào ra ngoài). Để nguội tự nhiên rồi cho vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ 5 - 70C.
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã