Gà Ai Cập
Từ nhiều năm nay, người dân huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) đã chọn giống gà siêu trứng của Ai Cập là loại gia cầm chủ lực. Mỗi con gà mái có thể đẻ 250-270 quả trứng mỗi năm. Loại trứng này có màu sắc đẹp, thơm ngon, tỷ lệ lòng đỏ cao nên được thị trường ưa chuộng.
Giống gà này dễ nuôi và ít bị bệnh nên người dân không tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, các chủ trang trại vẫn chú trọng phòng bệnh bằng cách vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc thường xuyên. Thức ăn chăn nuôi không chất cấm và có nguồn gốc rõ ràng. Nước uống là nước giếng khoan ở độ sâu hàng chục mét, đã qua kiểm nghiệm.
Cải cầu vồng
Đây là một trong những loại rau họ cải đẹp nhất, giàu vitamin: C, K và chất sắt. Đúng với tên gọi, cải cầu vồng nhiều màu sắc như hồng, cam, đỏ, vàng, trắng… Loại rau này có nguồn gốc từ Thụy Sĩ và được nhiều nước phương Tây ưa chuộng.
|
Mô hình trồng cải cầu vồng tại Lâm Đồng. Ảnh: Bizmedia. |
Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), cải cầu vồng được trồng theo mô hình VietGAP và GlobalGAP. Người dân ghi chép tất cả các hoạt động trồng trọt trong sổ nhật ký nông hộ để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Những loại phân bón hay chế phẩm sinh học dùng cho cây đều nằm trong danh mục cho phép của nhà nước. Trước ngày thu hoạch 2 tuần, người trồng ngưng bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Măng tây xanh
Khác với măng Việt Nam, măng tây xanh là giống thân thảo, màu xanh lá cây và có nguồn gốc từ các nước châu Âu. Được mệnh danh là rau "hoàng đế", măng tây xanh chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe như folate, purin, vitamin A, C… giúp chống dị tật bẩm sinh cho phụ nữ mang thai, chống bệnh gout, ung thư.
Hiện nay, giống cây này được trồng theo mô hình VietGAP ở các xã ven sông ở tỉnh Bắc Ninh như Tiên Du, Gia Bình và Lương Tài. Nguồn nước và đất trồng rau đều được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh về tận nơi lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo an toàn. Người dân sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục. Cây nhiễm bệnh sẽ được cách ly, phân khu để tránh nhiễm bệnh sang các cây khác.
Cá Hồi
Tại Việt Nam, cá hồi được nuôi thả nhiều tại các xã Tả Van, Bản Khoảng, Sa Pa (Lào Cai). Nguồn trứng cá hồi chất lượng chủ yếu được nhập về từ vùng Bắc Âu như Đan Mạch.
|
Những bể nuôi cá hồi tại Sa Pa. Ảnh: Bizmedia. |
Với nguồn nước suối tự nhiên sạch chảy về từ đầu nguồn, người dân làm các bể nuôi theo hình lòng chảo. Nước vào tạo dòng chảy để cá có thể bơi ngược dòng và chất thải được chảy vào bể lắng trước khi thải ra môi trường. Sản lượng cá hồi mỗi năm từ 15 đến 20 tấn, giá bán tại bể nuôi từ 250.000 đến 300.000 đồng mỗi kg.
Hàu sữa Thái Bình Dương
Với địa hình nhiều núi giúp chắn gió, giảm tác động của mưa bão, vùng biển chưa bị ô nhiễm bởi hoạt động du lịch, thương mại, đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có nhiều ưu thế để sản xuất hàu sữa. Từ giống nuôi lấy tử biển Thái Bình Dương, người dân trong đảo đem về nuôi dưỡng và nhân giống. Loại này có vị béo ngậy, thơm ngon xen lẫn mặn mòi của biển.
Thời gian trung bình từ lúc nuôi đến thu hoạch khoảng 9 tháng. Thức ăn của chúng là rong tảo tự nhiên có trong nước. Nguồn nước biển hàu đang sinh sống cách xa khu dân cư, khu công nghiệp và đang chịu sự giám sát của Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Ninh.
Tỏi đen
Loại dược liệu bổ dưỡng này có lịch sử hàng trăm nay của đất nước Hàn Quốc, tốt cho tim mạch, giảm cholesterol, chống oxy hóa… Trải qua quá trình lên men, tỏi sẽ có màu đen và trở nên dẻo, có vị ngọt.
|
Mẻ tỏi đen của anh Thái - hợp tác xã Nông lâm Ngư nghiệp Thái An (Quảng Ninh). Ảnh: Bizmedia. |
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, người dân TP Móng Cái, Quảng Ninh học cách làm tỏi đen theo quy trình an toàn. Nguyên liệu được lấy từ đảo Mỹ Thực (Quảng Ninh) vì tỏi nơi đây thơm ngon, cay nồng và trồng theo phương thức tự nhiên, không dùng hóa chất.
Trong quá trình ủ lên men, tỏi không sử dụng bất cứ loại phụ gia nào và ủ trong lò với nhiệt độ duy trì từ 60 đến 62 độ C. Sau 45 ngày ủ lò, tỏi được đem ra sấy trong 15 ngày để khô ráo, bảo quản được lâu.
Nguồn Vnexpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã