Với đặc thù có nhiều diện tích đất bãi, nhất là quỹ đất lúa nhàn rỗi ở vụ đông, Hà Nội được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển cây ngô sinh khối trong vụ đông. Bên cạnh đó, nhu cầu về thức ăn thô xanh giàu dinh dưỡng cho đàn đại gia súc cũng ngày càng tăng...
Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT Hà Nội và một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc triển khai mô hình liên kết trồng ngô sinh khối với nông dân trong vụ đông 2021.
Ghi nhận tại xã Phú Cường, xã Phong Vân (Ba Vì) nông dân đang rất tích cực làm đất, xuống giống ngô sinh khối.
Ông Nguyễn Xuân Khu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu, thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường (Ba Vì) cho biết: Mặc dù là năm đầu tiên triển khai trồng ngô sinh khối, tuy nhiên từ vụ đông 2020, ông đã cùng với các thành viên HTX tham quan, theo dõi mô hình trồng ngô sinh khối được triển khai trên địa bàn xã Cổ Đô (Ba Vì).
Nhận thấy ngô sinh khối có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy khi triển khai tại xã Phú Cường trong năm 2021, ông đã cùng các thành viên đăng ký hợp đồng với doanh nghiệp trồng với diện tích 20 ha.
Để đảm bảo đầu ra ổn định, HTX đã ký kết với Công ty T&T 159 trong việc thu mua toàn bộ ngô sinh khối. Phía công ty cam kết thu mua sản phẩm của HTX với đơn giá 700 đồng/kg (công ty sẽ tự thu hoạch tại ruộng), 850 đồng/kg (HTX thu hoạch và đưa lên xe).
“Ngô sinh khối không phải vun gốc như trồng ngô lấy hạt truyền thống, giúp tiết kiệm được công lao động. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, trồng ngô sinh khối sẽ nhàn. Khi cây phát triển đạt kích thước khoảng 30-40 cm thì dù gặp thời tiết mưa to, cũng không đáng ngại do bộ rễ của cây phát triển rất tốt, độ bám đất cao”, ông Khu cho hay.
“Mặc dù là năm đầu tiên trồng ngô sinh khối tại địa phương, nhưng tôi có con trai đã từng được tiếp cận với giống ngô này trong thời gian làm nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, nên cũng rất tự tin và hào hứng”, ông Tiến vui vẻ.
Cũng theo ông Tiến, do ngô sinh khối có thời gian trồng tới thu hoạch ngắn, nên rất phù hợp với thời gian đất 2 vụ lúa nhàn rỗi. Tuy nhiên, do quỹ đất gieo trồng nhỏ lẻ, manh mún, nên HTX phải đi thuê, mượn lại ruộng của các hộ dân trong vùng. Việc áp dụng cơ giới hóa, sử dụng máy móc canh tác gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, do tranh thủ đất lúa nhàn rỗi, nên việc đảm bảo về thời vụ thu hoạch trước khi phải trả lại đất cho người dân cấy lúa cũng là một áp lực rất lớn. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều, không xuống giống được hoặc xuống giống bị chết, phải gieo lại thì càng khó khăn hơn.
Khó khăn nữa là công tác bảo vệ đồng ruộng, bởi trâu bò của các hộ dân vẫn chăn thả tự do. Chỉ cần lơ là là đàn gia súc sẽ phá hỏng ngô, vừa tốn kém chi phí vừa làm ảnh hưởng đến thời vụ của cây ngô.
Ông Nguyễn Xuân Hiệu, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Vụ đông năm nay, xã trồng 45 ha ngô các loại, trong đó có 20 ha ngô sinh khối. Mặc dù là năm đầu tiên ngô sinh khối được triển khai trên địa bàn xã, nhưng đa phần người dân đều rất hào hứng.
Nếu vụ đông năm nay trồng ngô sinh khối mang lại hiệu quả khả quan, xã sẽ nghiên cứu mở rộng trong những vụ đông các năm tới.
"Vấn đề lớn nhất để cây ngô sinh khối có thể phát triển ổn định là vấn đề tiêu thụ. Với đặc tính ngô sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi, nếu không có đầu ra ổn định, khi người dân ồ ạt mở rộng diện tích sẽ tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu rất cao. Khi đó, không chỉ người dân chịu thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý gieo trồng ở những vụ tiếp theo", ông Hiệu nói.
ĐÌNH QUÂN - PHẠM HIẾU//nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã