Trên thế giới, cá bống bớp được các nước nuôi nhiều như: Ấn Độ, Srilanca, Thái Lan, các quần đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippin, Australia.
Ở Việt Nam cá bống bớp được phân bố ở các tỉnh như: Quảng Ninh (Tiên Yên), Hải Phòng (Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn), Thái Bình (Cửa Lân), Nam Định (Cửa Ba Lạt, Giao An), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Cửa Sót), Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ.
Hà Tĩnh, với chiều dài bờ biển trên 137 km, 4 cửa lạch và hệ thống sông ngòi phân bố khá đều tạo nên một tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ. Là tỉnh hội tụ nhiều hệ sinh thái đặc trưng phù hợp cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển... tạo nên những thuận lợi căn bản cho phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản đa dạng với nhiều hình thức và đối tượng nuôi. Theo số liệu quy hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diện tích có khả năng đưa vào nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ có trên 3.000ha, trong có có nhiều vùng sinh thái phù hợp cho nuôi thương phẩm cá bống bớp.
Để người dân nuôi trồng thủy sản mặn lợ trong tỉnh tham khảo lựa chọn đối tượng sản xuất mới, có giá trị kinh tế cao và phù hợp xu hướng thị trường; trên cơ sở tài liệu của ngành chuyên môn và thực tế triển khai một số mô hình nuôi cá bống bớp trong tỉnh, dưới đây xin hướng dẫn người nuôi một số biện pháp kỹ thuật nuôi cá bống bớp trong ao đất.
I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ BỐNG BỚP
1. Đặc điểm hình thái cấu tạo:
Cá có thân hình trụ tròn hơi dẹt bên, bắp đuôi dài khoẻ, đầu hơi dẹt bằng, thân phủ vảy rất nhỏ. Toàn thân trơn nhớt trên gốc vây đuôi có chấm đen to hình tròn hoặc hình trứng xung quanh viền trắng đây là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt dễ dàng loài cá này với loại cá bống khác.
2. Đặc điểm phân bố và sự thích nghi với điều kiện môi trường:
* Phân bố: Cá chủ yếu phân bố ở vùng cửa sông ven biển và đầm nước lợ, nơi có độ sâu mực nước từ 0,2 - 1,5m. Ngoài bãi triều thường thấy ở các bãi bùn cát nơi có nhiều thực vật thuỷ sinh phát triển.
* Điều kiện môi trường:
- Nhiệt độ: Thích hợp nhất từ 25 - 300C, tuy nhiên cá có thể chịu được nhiệt độ dưới 100C.
- Độ mặn: Cá có thể phát triển tốt ở độ mặn từ 5 - 25‰, đôi khi thấy cá xuất hiện ở những nơi có độ mặn xấp xỉ 0 hoặc > 25‰
- Oxy: Cá có khả năng thích nghi tốt với điều kiện Oxy thấp có thể lên đến 1mg/l. Khoảng tối ưu cho cá phát triển là 3mg/l, không nên quá 8mg/l.
- pH: Cá có khả năng thích ứng với pH rộng, nhưng tốt nhất 7 - 8
3. Tập tính sống
Lúc nhỏ cá sống thành từng đàn trong hang. Cá trưởng thành sống trong hang, khi cá thành thục sinh dục hoặc khi đi kiếm ăn thì cá ra ngoài, cá có tập tính đào hang trú ẩn và đẻ trứng. Mỗi hang có từ 2 đến nhiều lỗ. Các lỗ này có vai trò lấy khí trời cho cá hô hấp khi ở trong hang thiếu oxy. Cần lưu ý tập tính này để đào đắp xử lý bờ tránh cá đi mất.
4. Tính ăn
Cá có khả năng bắt và nuốt mồi bằng 1/10 cơ thể chúng và cũng có thể nhịn đói hàng tuần. Khi nhỏ cá ăn động vật phù du nhỏ, khi lớn cá ăn giáp xác (tôm, cua, còng…) cá ưa mồi thịt động vật hơn. Tuy nhiên vẫn có thể ăn một phần mùn bã hữu cơ, thức ăn hỗn hợp tự chế, thức ăn công nghiệp, mầm thực vật non.
5. Sinh sản
Mùa vụ sinh sản chính của cá vào tháng 4 - 8, khi thời tiết ấm áp, độ mặn thích hợp cho cá sinh sản từ 15 - 17‰, nơi có thức ăn tự nhiên phong phú. Cá thành thục sau 1 năm tuổi, thụ tinh ngoài và đẻ trứng dính. Cá thường làm tổ và đào hang đẻ trứng. Sau khi đẻ, cá bố mẹ luôn canh ở cửa hang để bảo vệ. Khi trứng nở thành cá con, được cá bố mẹ bảo vệ và dẫn đàn đi kiếm mồi quanh hang.
II. KỸ THUẬT NUÔI CÁ BỐNG BỚP TRONG AO ĐẤT
1. Chọn địa điểm xây dựng
- Địa điểm nuôi thích hợp là các bãi triều chất đáy là cát bùn và thịt pha cát là tốt nhất. Mặt khác, đáy cát có kết cấu kém nên dễ bị vùi lấp nên cá không thể đào hang xuyên qua bờ được
- Nơi có độ mặn dao động trong khoảng 5 - 25‰.
- Nơi ít chịu ảnh hưởng của các nguồn nước thải khu công nghiệp.
- Giao thông thuận lợi cho việc cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm.
2. Xây dựng ao nuôi
- Diện tích thích hợp nhất 2.000 - 6.000 m2, ao sâu 1 - 1,2m. Dọc ao đào rãnh rộng 2m để thuận lợi cho việc thu hoạch. Xung quanh bờ ao cần chôn phên nứa hay lưới nilon chìm dưới nước ao 60 - 70 cm, cũng có thể đào rãnh quanh bờ rộng 25cm sâu khoảng 60 - 80 cm dưới mặt nước. Mỗi ao nên có 2 cống để tiện cấp và thoát nước khi cần thiết. Trong ao nên thả rong bún, rong đuôi chó, rong câu nhằm tạo môi trường mát cho cá vào mùa hè, yên tĩnh và hấp thụ các loại chất độc trong ao nuôi.
3. Chuẩn bị ao nuôi
Hình thức cải tạo ao như sau:
- Ao nuôi được lấp hết các lổ hổng ở chân và bờ, làm sạch cỏ dại.
- Ao nuôi được tát cạn, vét bớt bùn, tu sửa lại bờ, cống ao, phát quang bờ ao.
- Dùng bạt lót xung quanh bờ, tránh tình trạng cá đào hang xuyên bờ đi mất.
- Tiến hành cày bừa trang phẳng đáy ao.
- Tiến hành rắc vôi với liều lượng tùy thuộc vào pH đất.
+ Đối với điều kiện ao nuôi ở vùng thường xuyên có pH cao nên bón 5 - 7kg vôi/100m2, phơi đáy 3 - 5 ngày để vôi oxy hóa các chất thải ở đáy sau đó tháo nước và ngâm 2 - 3 ngày và bơm ra.
+ Với ao có pH thấp hoặc ao mới đào cần bón lượng vôi từ 10 - 15kg/100m2 sau đó lấy nước vào ngâm 2 - 3 ngày và bơm nước chua phèn ra khỏi ao, làm như vậy liên tục 1 - 2 lần đến khi môi trường ổn định kiểm tra pH trên 6,5.
+ Với ao có pH đáy trung tính không phải thau nước rửa nước vôi bón mà lấy nước mới vào ao.
Vai trò của màu nước giúp ngăn cản sự phát triển của tảo đáy, mặt khác cá bống bớp không thích ánh sáng, ưa sống chui rúc, nếu không có màu nước cá sẽ bị ức chế bởi ánh sáng nên cá tìm cách đào hang trú ẩn.
- Bón phân gây màu nước : Dùng 3-5kg Urê và 5 - 7kg lân/1000m2.
Khi thấy ao có màu xanh nhạt hoặc màu vàng nâu, độ trong đạt 40 - 45cm thì tiến hành thả giống.
Môi trường nước trong ao nuôi khi thả cá là: pH = 7 - 8; Độ mặn: 10 - 15‰; Độ sâu: 0.8-1m nước.
4. Thả giống
- Mùa vụ thả giống: từ tháng 4 đến tháng 8.
- Kích cỡ: Nên chọn cá cỡ 5 - 8cm.
- Mật độ giống thả: Cỡ cá giống từ ≥ 7cm. Mật độ 2 con/m2
Lưu ý: Chọn cá có kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không bị bệnh tật, không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ tốt.
5. Thức ăn và cách cho cá ăn
Trong suốt quá trình nuôi sẽ sử dụng thức ăn phối trộn theo tỷ lệ: 1 kg thức ăn công nghiệp: 4,4 kg thức ăn cá tạp; cho ăn 3 - 4 kg thức ăn hỗn hợp/100 kg giống, sau đó điều chỉnh tăng giảm theo tốc độ tăng trưởng của đàn cá. Phối trộn thức ăn như vậy nhằm đảm bảo cho cá phát triển đồng đều và chủ động được nguồn thức ăn khi thời tiết bất lợi không có nguồn cá tạp.
Khi cá nhỏ, thức ăn để vào khay treo ở một vài điểm cố định, cho từ từ từng ít một để cá ăn hết, nếu thiếu thì bổ sung, thừa thì giảm đi. Giai đoạn lớn dùng thì dùng sàng ăn. Sàng cho ăn đặt ở vị trí cố định cách mặt nước 20 - 30 cm.
Chú ý: Nguồn thức ăn cho cá không bị hư hỏng, ươn thối, được rửa qua nước sạch trước khi cho ăn, giảm được nguồn vi khuẩn có hại trong thức ăn.
Giảm thức ăn vào mùa hè hay đầu mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 200C hoặc trên 370C thì giảm lượng thức ăn trong ao. Khi lấy nước vào ao nếu nhiệt độ nước ổn định 28 - 300C sẽ cho cá ăn tăng 15% tổng trọng lượng cá có trong ao và thường xuyên thay nước mới.
Cỡ cá trung bình (g/con) |
Lượng cho ăn (%trọng lượng cá) |
10 |
10 |
20 |
8 |
40 |
6 |
60 |
4 |
80 |
2 |
Bảng 1: Lượng thức ăn của cá
Trong quá trình nuôi cần phải đầu tư cho ăn có chất lượng và trọng lượng thức ăn theo quy trình đề ra nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá và giảm tỷ lệ hao hụt do hiện tượng ăn nhau.
6. Quản lý môi trường ao nuôi
Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi, kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý tránh tình trạng cá bị thất thoát. Định kỳ thay nước, cấp nước để môi trường nước trong sạch và kích thích cá tăng trưởng.
Sử dụng thêm chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi (vì trong quá trình nuôi có sử dụng thức ăn cá tạp, dễ gây ô nhiễm đáy)
Bảng 2: Môi trường nước ao nuôi thích hợp cho cá phát triển tốt
pH |
Độ trong |
Độ mặn |
Nhiệt độ |
Độ sâu ao |
7,5 - 8,5 |
30 - 40 cm |
5 - 150/00 |
20 - 28 oC |
1 - 1,2 m |
7. Cách phòng bệnh cho cá
* Ao nuôi
- Chọn địa điểm nuôi thích hợp, có nguồn nước không bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải sinh hoạt và các nhà máy công nghiệp, các yếu tố môi trường thuận lợi.
- Ao nuôi phải được cải tạo triệt để trước mỗi vụ nuôi, lớp bùn đáy không nên để quá dày.
- Giữ chất lượng nước ao tốt và giảm làm cá bị sốc do môi trường như: hàm lượng oxy thấp, nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp, sự tích tụ các chất thải, độ mặn, pH thay đổi,...
* Giống
- Phải mua con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch bởi các cơ quan chức năng.
- Thả giống với mật độ hợp lý, tuân thủ lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.
- Cần loại bỏ những con giống yếu, giống bị bệnh ra khỏi ao nuôi.
* Quản lý thức ăn
- Nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.
- Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.
- Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và khử trùng dụng cụ, địa điểm cho ăn.
- Thường xuyên bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm, cá.
* Quản lý các yếu tố môi trường nuôi
- Độ sâu: luôn luôn đảm bảo mực nước ao nuôi trên 1 m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5 m.
- Màu nước: luôn duy trì màu nước có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.
- Độ trong: Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 - 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 35 - 45 cm.
- Độ mặn: trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong ao nuôi cá vào mùa khô, mùa có độ mặn cao.
- pH: duy trì pH nước trong khoảng 7,5 - 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150 - 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo bờ ao.
- Độ kiềm: cần duy trì độ kiềm 80 - 120 mg/l.
8. Thu hoạch
Nuôi được 6 tháng tiến hành đánh bắt, thu tỉa những con có trọng lượng lớn và thu hoạch toàn bộ khi cá đạt trọng lượng thu hoạch từ 60gam/con trở lên./.
Theo Sỹ Công/sonongnghiep.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã