Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Điều này làm cho nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thiếu liên kết…
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải sản xuất hàng hóa lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển hợp tác.
Nền nông nghiệp kém phát triển khiến hàng hóa nông sản Việt Nam khó ra được quốc tế và còn bị thua ngay trên sân nhà. |
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nhân được đầu tư, phát triển và hỗ trợ lại chính người nông dân, đưa người nông dân vào các tổ nhóm hợp tác xã, sản xuất theo hình thức liên kết, công nghệ cao.
“Cần có bàn tay Nhà nước can thiệp vào vấn đề đổi mới phương thức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lên quy mô sản xuất lớn ứng dụng công nghệ sản xuất mới, từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa đồng bộ để giảm sức lao động, giảm giá thành. Trên cơ sở đó mới tạo ra được một nguồn sản phẩm lớn của hàng hóa và tham gia hội nhập, xuất khẩu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, ông Tam nêu ý kiến.
Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán… đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nền nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, kéo giảm năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Do đó, để khắc phục tình trạng này cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân cụ thể, từ đó, có đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.
Đi liền với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
“Nếu không tổ chức tốt, nền nông nghiệp kém phát triển, hàng hóa Việt Nam không những không ra được quốc tế mà còn bị thua ngay trên sân nhà. Mô hình xuất khẩu theo chuỗi doanh nghiệp là hạt nhân, là cầu nối quyết định nền hàng hóa hướng xuất khẩu, khai thác tốt tiềm năng, phát triển nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để chương trình tái cơ cấu nông nghiệp phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Để tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, yêu cầu đặt ra là các bộ ngành cần phải phối hợp, xây dựng chuỗi liên kết ngành, lúc đó sẽ có sản phẩm chất lượng và sức cạnh tranh bền bỉ.
Nhà nước cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, thay cho các hình thức canh tác truyền thống.
Đồng thời, phổ biến rộng rãi các kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu; có chính sách tạo hỗ trợ vốn hoặc thiết bị, công nghệ cho các mô hình sản xuất hữu cơ hoặc công nghệ nhằm tạo tiền đề khuyến khích phát triển theo xu hướng chung của thế giới...
Do đó, việc liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để tạo ra sản xuất lớn cho ngành nông nghiệp là sản xuất hàng hóa lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp được coi là cần thiết.
“Liên minh Hợp tác xã đang phối hợp với các bộ ngành địa phương xây dựng triển khai 27 chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp có quy mô lớn. Trong đó, trọng tâm là sản xuất, xây dựng các chuỗi sản phẩm như trái cây, thực phẩm rau an toàn của Việt Nam… Đồng thời xây dựng nhiều siêu thị nhỏ ở các thành phố, trung tâm có nhiều trường Đại học, các khu kinh tế… kết hợp mở rộng liên tỉnh, liên vùng, khu vực, mở rộng các hoạt động đối ngoại với các nước học tập chia sẻ, tranh thủ nguồn lực và kết nối tiêu thụ hàng hóa sang các quốc gia”, ông Cự cho biết.
Trong xu thế mới hiện nay, để ngành nông nghiệp nước nhà không bị tụt hậu và hội nhập thành công, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tái cơ cấu ngành, đảm bảo tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đồng thời, phát triển hợp tác xã, liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để tạo ra sản xuất lớn cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững./.
Theo Nguyễn Hằng/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã