Mùa cam đầu sai quả của ông Trần Sỹ Túc (thôn Bồng Sơn, Thường Nga).
Quy mô mở rộng, niềm vui nhân lên
Với thế mạnh gần 3.000 ha đất đồi bãi và gần 4.000 ha đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng trà sơn, Can Lộc có cơ sở để phát triển mạnh vườn cam truyền thống và giống bưởi Phúc Trạch. Thực tế đó đã được chứng minh trong nhiều năm. Có mặt trên vùng đất “túi bom” năm xưa, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những vườn cây sai quả như của chị Trần Thị Hiền (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) thu nhập trên 1 tỷ đồng năm 2015; anh Phan Sơn (thôn Anh Hùng, Thượng Lộc), Nguyễn Hữu Thái (thôn Khe Giao, Sơn Lộc), chị Trần Thị Thu (khu vực Trại Tiểu, Mỹ Lộc) thu nhập khoảng 700–800 triệu đồng...
Năm 2013, diện tích trồng cam, bưởi của Can Lộc chỉ mới 315 ha, nhưng nay đã đạt 475 ha, tăng 160 ha. Năm 2015, hơn 45 ha cam được trồng mới tại các xã Sơn Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Phú Lộc; 39 ha bưởi được mở rộng ở Thượng Lộc, Sơn Lộc, Phú Lộc, Đồng Lộc. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, sản lượng cam năm 2015 đạt 2.720 tấn, bưởi 1.260 tấn, tổng giá trị khoảng 199 tỷ đồng.
Bên cạnh trồng cây ăn quả, Can Lộc cũng phát triển mạnh các trang trại chăn nuôi lợn. Tổng đàn lợn năm 2015 của huyện đạt 68.892 con, tăng 2.741 con, tăng 7,5% so với trước tái cơ cấu năm 2013; giá trị sản xuất 493,138 tỷ đồng, tăng 46% so với trước tái cơ cấu 2013. Toàn huyện hiện có 18 trang trại lợn thịt liên kết, quy mô từ 500 con/lứa trở lên. Nhiều mô hình cho thu nhập cao như của các ông: Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyễn Công Hải (xã Thường Nga) quy mô trên 500 con. Các hộ anh San, chị Hoa (Thượng Lộc) quy mô từ 1.000 đến hơn 2.000 con...
Để đảm bảo hài hòa trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro, các mô hình nuôi lợn ở Can Lộc thường gắn với chăn nuôi tổng hợp, chủ yếu là tận dụng diện tích hoang hóa hoặc chuyển đổi từ diện tích cho thu nhập thấp. Trong năm 2015, 6 hộ thuộc thôn Đông Thạc (Trường Lộc) đã đầu tư nuôi lợn, bò và trồng cỏ trên 30 ha đất bỏ hoang là ví dụ.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ một mô hình trên 3 ha cho hay: “Khi mới đầu tư nhìn cũng sợ vì toàn ao hồ bỏ hoang; chúng tôi phải mất rất nhiều công sức đổ đất làm mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất khá tốn kém. Hiện tôi nuôi 21 con bò lai, 300 con lợn/lứa và một ít diện tích trồng cỏ. Tôi thuê 3 nhân công làm việc thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đến nay, đã xuất lứa lợn đầu tiên khá thuận lợi”.
Cùng với lợn thịt, toàn huyện đã xây dựng 4 cơ sở nái ngoại có quy mô 300 nái trở lên, mỗi năm cung ứng hơn 80.000 con giống.
Mô hình nuôi lợn, bò lai của chị Nguyễn Thị Lý (Trường Lộc) vừa tăng thu nhập, vừa giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.
Để quả ngọt, lợn ngon, dân phấn khởi
Từ thực tế phát triển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đặng Trần Phong cho hay: “BTV Huyện ủy vừa họp bàn về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Trên cơ sở 3 vùng sinh thái, chúng tôi xác định trồng cây ăn quả, nuôi lợn chủ yếu tập trung ở vùng trà sơn. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích cam, bưởi sẽ mở rộng, đạt 1.150 ha, tạo thành vùng chuyên canh sản phẩm chủ lực, có thể giới thiệu tại các điểm du lịch như Ngã ba Đồng Lộc. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ thương hiệu cam Thượng Lộc, từng bước xây dựng các quy chuẩn để bà con tuân thủ trong quá trình sản xuất, tạo chỗ đứng trên thị trường”.
Việc định hướng luôn mở ra ánh sáng niềm tin, song để niềm tin kết quả, thực tế còn nhiều việc phải làm. Từ công sức khảo sát xây dựng đề án, chuyên viên phụ trách mảng trồng trọt của Phòng NN&PTNT huyện cho hay: “Định hướng mở rộng diện tích cam, bưởi đến năm 2020 đặt ra nhiều khó khăn, nhiều xã sẽ phải tăng mạnh diện tích chuyển đổi từ trồng keo sang trồng cam, bưởi như Thường Nga (100 ha), Đồng Lộc (100 ha), Phú Lộc (50 ha), Sơn Lộc (50 ha), Mỹ Lộc, Gia Hanh (30 ha mỗi xã). Khó khăn lớn nhất là người dân thiếu vốn đầu tư ban đầu, bởi mỗi ha cam trong giai đoạn kiến thiết cơ bản phải mất 100 triệu đồng, đến năm thứ hai khoảng 60-70 triệu đồng”.
Một thực tế khác mà ông Phan Hưng - Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc, người nằm trong nhóm lạc quan cũng băn khoăn đó là thị trường tiêu thụ. Ông Hưng dù tin rằng, kế hoạch chuyển đổi 100 ha vào năm 2020 là hoàn toàn đạt được, giá cam có giảm xuống 18.000 đồng/kg vào năm 2020 thì người sản xuất vẫn lãi 10.000 đồng, song lại băn khoăn về thị trường tiêu thụ. “Lâu nay, cam, bưởi trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc thương lái, vì thế, không biết sản phẩm của quê hương sẽ đi về những đâu” – ông cho hay.
Đành rằng, lộ trình từ xây dựng thương hiệu (chỉ riêng giống cam) đến việc xác định đầu mối tiêu thụ, hình thành HTX được huyện vạch ra, song, những định hướng về cây ăn quả vẫn vấp khó khăn. Đó là chưa nói những địa phương mà cam, bưởi mới “làm quen”, việc chuyển đổi sẽ không dễ dàng. Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Người dân vẫn còn nặng tư tưởng ngại đổi mới, ngại đầu tư nên nhiều nơi vẫn chưa chuyển đổi mạnh từ trồng keo sang cây ăn quả.
Cùng với cây ăn quả, con lợn cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi. Phần lớn các mô hình chăn nuôi lợn chủ yếu tập trung ở vùng thượng, nơi đầu nguồn nước, đã và đang tác động xấu tới môi trường như phản ánh của người dân tại Phú Lộc, Sơn Lộc. Theo Phó Bí thư Thường trực Đặng Trần Phong, thời gian tới, sẽ phát triển trồng chanh leo liên kết ở các trang trại nuôi lợn lớn để giải quyết lượng phân thải hàng ngày. Tuy nhiên, việc trồng chanh leo, theo nhiều người là khó khả thi hoặc cần nhiều thời gian vì người dân thường chưa mặn mà đối với cây trồng mới, trong khi, ngay một số mô hình liên kết như cây gấc ở xã Phú Lộc chưa thành công để tạo niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó, kế hoạch nhân rộng các mô hình nuôi lợn nái quy mô gia đình khoảng 5 con để tự tạo giống chăn nuôi lợn thương phẩm đang đặt ra lo ngại về vấn đề quản lý, kiểm soát dịch bệnh, đầu ra sản phẩm, quy trình xử lý chất thải... Lo ngại này là có cơ sở bởi những năm gần đây, nhiều ổ dịch trên gia súc, gia cầm đã bùng phát tại huyện.
Muốn quả ngọt, lợn ngon và dân phấn khởi, huyện Can Lộc cần giải quyết nhiều vấn đề trên thì mới có thể thúc đẩy việc tái cơ cấu sản xuất một cách mạnh mẽ và bền vững đối với các sản phẩm mang tính chủ lực trong lộ trình phát triển nền nông nghiệp địa phương.
Theo Mạnh Hà-Mai Thủy/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã