Bài 1: Kết quả bước đầu
Một góc khu chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH ở Nghệ An.
Dù còn nhiều việc phải làm nhưng rõ ràng những thay đổi do quá trình TCC mang lại cho ngành nông nghiệp rất đáng được ghi nhận. Một số chuỗi sản xuất đã hình thành; nhiều doanh nghiệp lớn tìm đường đầu tư vào nông nghiệp; các mặt hàng nông sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai và diễn biến bất lợi của thị trường.
Điểm sáng chăn nuôi
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, sau 3 năm thực hiện Đề án TCC ngành nông nghiệp, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt trong 3 năm vừa qua tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7,5 tỷ USD. Hiện có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm trở lên gồm: gạo 2,8 tỷ USD, cao su 1,53 tỷ USD, cà phê 2,67 tỷ USD, hạt điều 2,4 tỷ USD, hạt tiêu 1,26 tỷ USD, rau quả 1,84 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỷ USD.
Đến nay, các địa phương đã chuyển đổi được khoảng 390.000ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, rõ nhất là ở ĐBSCL và ĐBSH. Xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân 2015-2016, đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất (450.000ha); nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang...
Trong 3 năm, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng (tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012). Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè,...
Chăn nuôi được coi là điểm sáng trong quá trình tái cơ cấu ngành. Phương thức chăn nuôi đang có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 9.377 (năm 2013) lên 9.897 và 10.500 (năm 2015). Chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư như TH, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Hà, DABACO, Thái Dương, CP, …; cả nước có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận với quy mô hàng nghìn đến mấy trục triệu con/lứa. Quy trình trên sẽ được hướng dẫn triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Một số tỉnh đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, xác định các chuỗi ngành hàng lợi thế của địa phương; đã xuất hiện một số sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu mạnh: Năm 2015, thịt lợn sữa đông lạnh xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông (sản lượng 39,4 ngàn tấn, đạt 103,5 triệu USD); trứng vịt muối xuất sang Malaysia, Singapore, Trung Quốc (sản lượng 31,6 triệu quả, đạt 4,9 triệu USD); mật ong xuất sang Mỹ, Triều Tiên, Đài Loan (sản lượng 56,4 ngàn tấn, đạt 140 triệu USD)… Sản xuất chăn nuôi tăng trưởng khá cao và chuyển đổi theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%/năm (năm 2013 tăng 3,4%, 2014 tăng 4,6%, năm 2015 tăng 4,3%; quý I năm 2016 tăng 4,2%), đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu. Thị trường và giá cả các sản phẩm chăn nuôi ổn định, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi.
“Trong 3 năm qua, Bộ và nhiều địa phương đã xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện TCC; làm rõ mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp toàn quốc và các địa phương, xác định cụ thể sản phẩm lợi thế để tập trung chỉ đạo đầu tư, sản xuất; tổng kết và bước đầu nhân rộng một số hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ tái cơ cấu, đầu tư các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh; điều chỉnh mạnh mẽ kế hoạch nghiên cứu khoa học và khuyến nông phục vụ TCC; xúc tiến việc sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và PTNT”, ông Doanh nói.
Còn nhiều hạn chế
Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng ông Doanh cũng thừa nhận kết quả TCC trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, thậm chí tốc độ tăng trưởng quý I năm 2016 giảm, lần đầu tiên ngành nông nghiệp rơi vào tăng trưởng âm.
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương TCC ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương đã sớm triển khai và quyết liệt chỉ đạo, đạt được kết quả khá rõ nét (Đồng Tháp, Lâm Đồng, Hà Tĩnh…) nhưng vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; khu vực hợp tác xã còn nhiều lúng túng trong thực hiện Luật HTX 2012; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp; nông - lâm trường quốc doanh mặc dù đã được chuyển đổi nhưng chưa thể hiện được hiệu quả.
Năng suất chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất vẫn diễn ra phức tạp.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng; cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi. Vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai; việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành còn chậm. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đem lại nhiều thách thức đối với nông nghiệp nước ta, trong đó thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực của nhà nước hỗ trợ thực hiện TCC nông nghiệp còn hạn hẹp. Việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế; sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều bộ, ngành với Bộ Nông nghiệp và PTNT còn có lúc, có việc chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả.
Từ thực tế phát triển của ngành, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, hiện giá thành chăn nuôi vẫn cao hơn so với các nước từ 20-25%, do chưa chủ động được nhiều các yếu tố đầu vào, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún còn nhiều.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng, khâu truyền thông là một trong những hạn chế lớn của việc thực hiện đề án TCC ngành nông nghiệp. “Tôi đã đi rất nhiều địa phương và hỏi nông dân có biết về TCC nông nghiệp không, hầu hết bà con đều không biết, nhưng gần như nông dân nào cũng biết về xây dựng nông thôn mới. Chủ thể sản xuất nông nghiệp là nông dân mà còn chưa biết về TCC thì việc đẩy mạnh TCC sẽ khó thành công”, ông Môn nói.
Rõ ràng những thách thức trên đang đặt ra cho ngành nông nghiệp và các địa phương phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả của Đề án TCC ngành nông nghiệp.
Trong 3 năm 2013-2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% (năm 2010) lên 63,9% (năm 2012), 64,7% (năm 2013) và 67,8% (năm 2014). Thu nhập bình quân hộ nông dân tăng từ 73,2 triệu đồng (năm 2012) lên 97,6 triệu đồng (năm 2015). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã