Điều đáng nói ở đây hiện nay giá atisô lên kỷ lục 350.000đ/kg, tăng gấp 7 lần so với cùng thời điểm 2013, nhưng người nông dân cũng chỉ thở dài ngao ngán…
GIÁ TĂNG, NÔNG DÂN LẠI… BUỒN!
Đến Đà Lạt những ngày này, chúng tôi có thể nhận thấy không khí yên ắng và nỗi thất vọng hiện trên nét mặt lam lũ của những người nông dân tại các vùng chuyên canh cây atisô ở khu vực Sào Nam, Tây Hồ (P.11) và Thái Phiên (P.12, TP Đà Lạt), mặc dù hiện nay giá atisô lên kỷ lục. Theo nông dân Huỳnh Văn Đức ở P.12, liên tục trong nhiều năm liền giá atisô bấp bênh, đầu ra khó khăn, đầu tư dài ngày nhưng lãi ít, nên nhiều nông dân phát bỏ cây atisô để dành đất cho những cây trồng khác. Vậy nên, nay giá atisô tăng chóng mặt càng làm người dân nuối tiếc và những người có atisô để bán chỉ tính trên đầu ngón tay!
Theo ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân P. 12, mỗi héc-ta atisô một năm thu về khoảng 15 tấn khô các loại (lá, hoa, thân và rễ), bán được 800 triệu đồng, tức cao hơn với trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính. Tuy vậy, ông Ngô Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho rằng, giá trị của loại cây đặc sản atisô Đà Lạt lại hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả atisô hàng hóa của thị trường tự do. Việc giá atisô tăng lên một cách bất thường trong những ngày gần đây chỉ là hiện tượng để người nông dân nuôi hy vọng về một diện tích atisô Đà Lạt có thể mở rộng tương lai, chứ đây chưa phải là cơ sở để cơ quan quản lý nông nghiệp và nhà chức trách địa phương đặt kỳ vọng về một nền tảng vững chắc của chiến lược phát triển lâu dài.
NGUY CƠ XÓA SỔ MỘT THƯƠNG HIỆU
Là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay trên địa bàn cư trú của loại cây này đang diễn ra một nghịch lý, trong lúc các sản phẩm chế biến từ atisô được tiêu thụ mạnh thì người trồng atisô lại càng điêu đứng. Liên tục trong mười năm trở lại đây (2003 -2012), giá atisô ở nhà vườn bán ra luôn ở mức thấp, có lúc 1kg bông khô chỉ còn 18.000 đồng; thân, rễ phơi khô có giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, còn lá khô thì không có người mua. Giá atisô xuống thấp, nông dân không còn chỗ nào khác ngoài việc bán cho Cty Dược Lâm Đồng song Cty này cũng chỉ mua được một lượng rất nhỏ lá tươi để nấu cao trong thời gian ngắn đầu vụ, số còn lại, nông dân chỉ biết phó mặc cho trời.
Để trồng được một cây atisô thành phẩm, những người trồng phải bỏ biết bao công sức, cần mẫn chắt chiu từng chút kinh nghiệm mong tạo ra món hàng đặc sản đặc trưng cho Đà Lạt. Họ mong sao những sản phẩm họ làm ra ngày càng chất lượng hơn trong mỗi gói quà lưu niệm của du khách. Đó là mong ước chính đáng, nhưng để thực hiện được thì không dễ. Trong thực tế sản phẩm mà họ làm ra chỉ được các đại lý mua với giá bằng một phần ba, thậm chí có khi chỉ bằng một phần mười so với giá mà người tiêu dùng phải trả. Họ bị tư thương ép giá trăm bề, lắm lúc phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản phẩm của mình nổi trôi.Trong khi đó, mỗi vụ mùa kể từ khi trồng đến khi thu hoạch, phải kéo dài từ 7 đến 9 tháng.
Tháng nào cũng bận rộn nhưng có thể nói thời gian lo lắng nhất là khi cây ra hoa. Đây là thời kỳ cao điểm của mùa khô, lúc này hầu hết các vùng sản xuất đều thiếu nước trầm trọng. Như vậy việc trồng cây atisô đã khó, lại phải chịu thua thiệt về giá bán, nên xem ra loại cây này có hiệu quả kinh tế không bằng các loại cây rau thương phẩm khác. Vì vậy người nông dân “quay lưng” với loại cây này. Đến nay, diện tích loại cây này ở Đà Lạt chỉ còn chưa đến 40ha so với thời cao điểm (150ha). Đây là thực trạng đáng được các nhà chức trách quan tâm! Ông Hồ Ngọc Dinh lo lắng: “Nếu giá cả thấp như hiện nay, bà con trồng atisô sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế hơn thì cây atisô Đà Lạt có nguy cơ bị xóa sổ”.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ GIỮ LẠI CÂY ATISÔ?
Để khôi phục lại những ưu thế của loại cây dược liệu có một không hai ở Việt Nam, ngành chức năng cần giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của nông dân và các nhà sản xuất, chế biến nông sản. Theo đó, một việc làm có lẽ tối ưu nhất hiện nay là triển khai chiến lược sản xuất cây atisô thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa người trồng và người chế biến atisô. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng và người chế biến atisô mới có thể ổn định tình hình sản xuất loại dược liệu quý hiếm này.
Điều mong mỏi của người trồng atisô Đà Lạt hiện nay là chính quyền thành phố cần quy hoạch một vùng chuyên canh cây atisô, đồng thời có phương án hỗ trợ thỏa đáng để người nông dân yên tâm sản xuất. Và điều quan trọng hơn cả là phải giữ cho được thương hiệu atisô để phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu để khôi phục lại những ưu thế của loại cây đã một thời góp phần tạo nên những nét rất riêng cho thành phố Đà Lạt.
Theo xaluan.comNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã