Được cả năng suất lẫn giá bán
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến ngày 17/7/2014, các tỉnh, thành ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu 2014 được 1.665 triệu hecta/1,7 triệu hecta kế hoạch, đã thu hoạch được 550.000ha, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 3,19 triệu tấn lúa.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đã tuân thủ nghiêm túc lịch xuống giống và chia làm 3 đợt cho phù hợp với tình hình thủy văn từng khu vực, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác theo phương pháp mới. Bên cạnh đó, việc phòng trừ sâu bệnh cũng được các tỉnh thực hiện tốt nên dịch bệnh không bùng phát.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ cho biết, địa phương đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ hè thu 2014, chỉ còn khoảng 5.000-6.000ha/87.000ha diện tích xuống giống, năng suất bình quân 6 tấn/ha, nhờ giá lúa trên thị trường khá tốt nên bà con có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, nếu so với vụ hè thu 2013 thì vụ này tốt cả về năng suất lẫn lợi nhuận. Vụ hè thu 2014 thắng lợi là nhờ vào nhiều yếu tố nhưng cơ bản vẫn là thời tiết. Thời tiết thuận lợi cộng với việc bà con thực hiện đúng, đồng bộ các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất cho đến khâu giống đã giúp năng suất, chất lượng lúa ngày càng ổn định trên diện rộng.
Thời gian qua, TP.Cần Thơ có chương trình hỗ trợ trực tiếp giúp nông dân nâng cao tỷ lệ dùng giống xác nhận, nên hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 80%, trong khi toàn khu vực ĐBSCL chưa tới 50%. “Thời tiết tương đối thuận lợi, tỷ lệ bà con sử dụng giống xác nhận cao và thực hiện đồng bộ các quy trình chăm sóc, bón phân cân đối, phòng trừ tốt sâu bệnh, giảm lãng phí vật tư nông nghiệp, giảm chi phí, giá lúa tốt đã giúp bà con tăng thu nhập”, ông Quỳnh cho biết.
Còn theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp An Giang, năng suất vụ hè thu 2014 tương đương với năm 2013, còn lợi nhuận có phần nhỉnh hơn. Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, có hai yếu tố ảnh hưởng đến năng suất vụ hè thu, khách quan và nội tại. Khách quan là thời tiết, nội tại là lịch thời vụ, khâu làm đất và chăm sóc. Ở An Giang lịch xuống giống thích hợp nhất là tháng 4, xuống giống sớm quá hoặc muộn quá cũng không được. Vụ hè thu này An Giang xuống giống khoảng 230.000ha, thời tiết vụ hè thu năm nay tương đối thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng tốt. Hiện tỉnh đã thu hoạch trên 50.000ha, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, với giá lúa hiện nay bà con cảm thấy rất phấn khởi.
Giá lúa gạo tăng liên tục
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng từ ngày 1/7 đến ngày 17/7/2014 đạt 259.400 tấn, trị giá FOB 112,687 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 đến 17/7/2014 đạt 3,26 triệu tấn, trị giá FOB 1,408 tỷ USD. Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên từng ngày. Đến ngày 22/7, gạo 5% tấm của Việt Nam đã nhảy lên mức 445-455 USD/tấn, tăng tới 15 USD/tấn so với cuối tuần trước và tăng 35 USD/tấn so với tháng 6. Nếu so với tháng 7 năm ngoái, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta hiện cao hơn khoảng 55 USD/tấn. Gạo 25% tấm hiện cũng đã ở mức 395-405 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn so với cuối tuần trước).
Như vậy, sau một thời gian dài, đến nay, giá các loại gạo trắng Việt Nam mới lại được giao dịch ở mức từ 400 USD/tấn trở lên. Trong khi giá các loại gạo trắng của Việt Nam liên tục tăng thì giá gạo cùng loại của các nước xuất khẩu chủ lực khác lại đứng yên hoặc giảm, nên giá các loại gạo trắng của Việt Nam nhảy lên ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu gạo có “máu mặt”.
Ông Nguyễn Đình Bích, một chuyên gia về lúa gạo, cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh là do nhu cầu nhập khẩu của một số nước sẽ tăng lên trong thời gian tới, bởi ảnh hưởng thời tiết. Chẳng hạn như Philippines bị ảnh hưởng lớn do cơn bão Rammasun vừa rồi. Trong khi đó, Chính phủ quân sự Thái Lan vẫn chưa thanh tra xong chương trình thế chấp lúa gạo do Chính phủ cũ thực hiện, do đó hiện chưa thể bán ra gạo tồn kho. Ấn Độ thì lo ngại El Nino nên cũng đã giảm lượng gạo xuất khẩu. Thành ra, gạo Việt Nam trở nên có lợi thế hơn trên thị trường.
Theo VFA, đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được khoảng 5,3 triệu tấn. Từ đầu năm đến ngày 17/7, nước ta mới xuất khẩu được 3,26 triệu tấn gạo. Do đó, các DN đang phải tích cực thu mua để xuất khẩu hơn 2 triệu tấn còn lại và phục vụ cho những hợp đồng sẽ còn ký tiếp trong những tháng tới.
Trong khi đó, lượng gạo hàng hóa ở ĐBSCL hiện không còn nhiều. Vì thế, giá gạo buộc phải tăng lên. Ông Trần Bảo Toàn, Giám đốc DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho biết, dù ĐBSCL đã vào chính vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng lượng gạo hàng hóa vẫn đang khá ít. Còn gạo Campuchia vẫn gần như chưa sang Việt Nam như trước đây.
Do nguồn cung thấp nên giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang tăng nhanh. Theo ông Toàn, giá gạo nguyên liệu loại trung bình đã lên tới 7.350 đồng/kg, gạo thành phẩm 5% tấm tại mạn tàu khảng 8.800-8.900 đồng/kg, gạo thành phẩm 15% tấm tại mạn tàu 8.500 đồng/kg. So với đầu vụ hè thu, giá gạo hàng hóa hiện đã tăng tới 1.000 đồng/kg. Và nếu so với giá gạo hàng hóa trong vụ đông xuân, giá gạo hàng hóa vào thời điểm này cũng đã cao hơn khoảng 600-700 đồng/kg.
Điều đáng mừng với người trồng lúa ở ĐBSCL là nhờ giá gạo tăng cao mà giá lúa hè thu do nông dân bán ra cũng đang tăng liên tục. Bà Trần Thị Bông, thương lái ở huyện Thoại Sơn (An Giang), cho biết, nếu như đầu vụ hè thu, có những thời điểm giá lúa tươi chỉ trên 3.000 đồng/kg, thì nay đã ở mức 4.900-5.000 đồng/kg với lúa IR50404 và 5.100-5.200 đồng/kg với lúa hạt dài. Không chỉ cao hơn nhiều so với đầu vụ, nếu so với giá lúa tươi vụ đông xuân 2013-2014 (4.400-4.500 đồng/kg với lúa tươi IR 50404), thì giá lúa hè thu hiện nay cũng cao hơn đáng kể.
Một số chủ DN chuyên cung ứng gạo xuất khẩu ở ĐBSCL nhận định, với đà này, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Riêng giá gạo còn có thể tăng thêm 500 đồng/kg.
Trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu 2014 có nhiều dự báo rằng thị trường sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tại thời điểm này có thể nói nông dân ĐBSCL đang có một vụ hè thu khá thuận lợi cả về năng suất lẫn giá cả. Chính nhờ có lợi nhuận tốt từ vụ hè thu này mà bà con đã rất phấn khởi bước vào sản xuất vụ thu đông, kế hoạch sản xuất của Cần Thơ là 50.000ha nhưng bây giờ bà con đã xuống giống trên 60.000ha.
Trần Trọng Triết
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã