Mô hình nhà vườn cây ăn trái không xa lạ gì với du khách đến với miền Tây Nam Bộ. Tại đây, bất kì ai cũng có thể vào các khu vườn ăn no nê các loại hoa quả chỉ với giá vé vào cửa tương đối thấp.
Mô hình này chưa được nhân rộng ở miền Bắc do đặc thù đồng đất khác với khu vực Tây Nam Bộ, mặt khác, do văn hoá và tập quán canh tác nông nghiệp cũng dẫn đến việc triển khai mô hình này chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, chỉ cách bờ hồ Gươm chưa đầy chục cây số, nằm trong khuôn viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có một khu nhà vườn rộng tới 5ha, chuyên trồng táo phục vụ các bạn trẻ. Chủ vườn này mỗi ngày có thể thu tới vài triệu đồng Chỉ với 10 nghìn đồng, mỗi người vào đây sẽ được tặng kèm một túi muối ớt rồi ra thẳng vườn, ăn thỏa thuê.
Chị Bạch Kim Xuyến - chủ vườn cho biết, gia đình chị có 15 người, tất cả đều chung tay làm nông nghiệp ở đồng đất rộng 5ha này. Khu vườn này trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau, mùa nào thức nấy, không bao giờ thiếu.
"Toàn bộ đồng đất nhà tôi trồng nhiều loại cây ăn trái và đồng thời là nơi thực hành cho sinh viên trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ vài ba năm nay, gia đình dành 5 héc-ta để trồng táo, táo bán ra chợ thì ít, chủ yếu là bán vé cho mọi người vào ăn táo. Mỗi vé vào vườn có giá 10 nghìn đồng, mọi người được ăn thỏa thích nhưng không được mang về", chị Xuyến cho biết.
Phía trước con đường dẫn ra vườn là một tấm bảng to ghi rõ nội quy: Vào vườn chỉ được vui chơi trong hai ô táo; Tuyệt đối không được vào vườn bưởi; Nghiêm cấm hái bưởi, vi phạm phạt 200 nghìn đồng/quả; Nghiêm cấm vặt táo ném nhau; Chỉ được ăn táo trong vườn không được mang ra ngoài, vi phạm phạt 100 nghìn đồng/cân.
Khi chúng tôi đến khu vườn, bãi xe đông kín khoảng 30 chiếc xe máy, hàng chục lượt các bạn trẻ đi thành từng nhóm tíu tít mua vé vào vườn.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên năm cuối trường Đại học Lâm nghiệp, nhà ở tận Xuân Mai, cách vườn vài chục cây số cũng đến vườn táo này cho biết: Bạn biết vườn táo qua sự giới thiệu của bạn bè, đến đây rất vui, khá thư giãn, chụp được nhiều ảnh đẹp. Tuy vậy, do mới đầu mùa nên táo khá chua, chưa được chín. Hiền sẽ còn quay lại sau một thời gian nữa, hy vọng sẽ có táo chín để ăn.
Nhiều bạn trẻ nghịch ngợm, trèo cả lên cây để vặt được quả ưng ý.
Chị Xuyến cho biết, hàng năm, khách đến vườn cũng đông nhưng chủ yếu là dân quanh vùng Gia Lâm và sinh viên trong trường Nông nghiệp. Năm nay lượng khách đông hơn hẳn, nguyên nhân là do cháu nội của chị đã đăng tải thông tin về vườn táo của nhà lên mạng xã hội facebook, do vậy, nhiều bạn trẻ biết đến nhiều hơn.
Trung bình một ngày có thể tới 200-300 người. Ngoài tiền vào vườn táo, người nhà chị Xuyến còn tổ chức trông giữ xe có thu phí. Như vậy, nhẩm tính sơ bộ, doanh thu từ tiền vào vườn táo và tiền gửi xe có thể lên đến 3,4 triệu đồng/ngày. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều đồng đất vùng Bắc bộ.
Có thể thấy, hầu hết những người đến đây đều là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ có ý thức tốt, không có chuyện vặt mang về hay gây lãng phí. Tuy nhiên, chị Xuyến thường xuyên phải nhắc nhở các bạn không ném muối ớt xuống đất, lượng muối nhiều sẽ làm hỏng chất đất, không thuận lợi cho các mùa sau. Ngoài ra, để đề phòng sự nghịch ngợm của tuổi trẻ, gia đình chị cũng phải làm hàng rào, che chắn khu vực vườn táo với các khu vực trồng các loại cây ăn quả khác.
Chị Xuyến cho biết: Thực tế khu vườn này mới chỉ trồng táo và mở cửa cho mọi người vào ăn táo, vui chơi và chụp ảnh. Mùa táo mỗi năm cũng chỉ kéo dài được 2-3 tháng, do vậy, năng suất của đất chưa cao như mong muốn. Rất có thể, trong thời gian tới, chị sẽ trồng thêm một số loại cây ăn quả khác để tăng thời gian sinh lời của đất trong năm.
Hầu hết những bạn trẻ đến khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngoài vào vườn táo của chị Xuyến còn tranh thủ ghé thăm cánh đồng hoa cải trắng, cải vàng trồng ngay gần đó. Từ giờ đến tết âm lịch, chắc chắn đây sẽ là một điểm đến thú vị dành cho các bạn trẻ sinh sống và học tập ở Thủ đô.
Theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã