Còn 5 triệu tấn gạo cần tiêu thụ?
Thông tin thiếu lúa gạo xuất khẩu bắt đầu “rộ” lên từ cuối tháng 7, đầu tháng 8. Bắt đầu là các doanh nghiệp (DN) kêu hết gạo xuất khẩu. Ông Huỳnh Thế Năng- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết, lượng gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu hiện đã không còn nhiều. Ngay cả Vinafood 2 với mấy chục công ty thành viên mà mua vào chưa tới 7.000 tấn gạo/ngày.
Tuy nhiên, tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL được tổ chức cách đây ít ngày, ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã cho biết, cả nước còn khoảng 5 triệu tấn gạo hàng hóa cần được tiêu thụ từ nay đến cuối năm. Báo cáo của 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gửi về Bộ Công Thương cũng cho biết lượng gạo đang tồn đọng ở khu vực này là rất lớn, khoảng 500.000 tấn trong thương lái và 800.000 tấn trong dân (quy gạo).
Song lượng gạo thực tế còn tồn bao nhiêu, thì chưa có cơ quan nào trả lời được chính xác. Vì thế, hầu như các DN đều đang e ngại ký các hợp đồng xuất khẩu mới. Trong khi đó, Philippines lại sắp cho đấu thầu mua gạo. Thông tin không chính thức từ các cơ quan chức năng, Philippines nhiều khả năng muốn mua gạo của Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ làm thế nào để có thể trúng thầu bán gạo cho Philippines trong bối cảnh hiện nay là điều cần bàn.
Lại thua gạo Thái…
Trong lúc Việt Nam đang “rối bời” chuyện gạo xuất khẩu thì các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lại đang hy vọng nhân cơ hội giá gạo Việt tăng và nhu cầu mạnh trên thị trường thế giới sẽ gia tăng xuất khẩu gạo. “Giá gạo Thái hiện thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá gạo Việt Nam, tạo cơ hội cạnh tranh tốt hơn, nhất là trong cuộc đấu thầu sắp tới của Philippines”-chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng phân tích. Theo ông Thắng, Philippines đã hoãn cuộc đấu thầu mua 500.000 tấn gạo thêm 2 tuần, dự kiến tới 27.8 bởi hạn hẹp về thời gian, song điều đó cũng không ngăn giá gạo Việt Nam tăng lên. “Động thái này của họ cho thấy rõ gạo Việt Nam được người Philippines mong muốn lựa chọn nhiều hơn, song vấn đề là chúng ta lấy gạo ở đâu ra để bán và trúng thầu bằng cách nào?”- ông Thắng nói.
Đến thời điểm này, không ai chắc chắn cơ hội cho gạo Thái trong cuộc đấu thầu tới đây. Đặc biệt trong bối cảnh, ông C-haroen Laothamatas- Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, nước này sẽ tăng cường bán gạo vào cuối năm nay. Ông này cho biết, nếu nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nào thắng thầu trong cuộc đấu thầu của Philippines, Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng việc cung cấp gạo từ các kho dự trữ của Nhà nước. Thái Lan cũng đang cố gắng giảm lượng gạo dư thừa trong những kho dự trữ của họ.
Giải pháp cho gạo Việt hiện nay, theo ông Huỳnh Thế Năng là cần đánh giá lại lượng gạo hàng hóa chính xác của Việt Nam hiện nay. Con số còn 5 triệu tấn gạo như Bộ NNPTNT công bố cũng như gạo đang tồn đọng lớn như Bộ Công Thương cho biết, cần được xem xét kỹ.
Theo chuyên gia Phạm Tất Thắng, nếu Việt Nam trúng thầu bán gạo cho Philippines với giá rẻ hay không trúng thầu vì giá quá cao cũng đều thua gạo Thái. Hơn lúc nào hết, gạo Việt cần có những bước đi bài bản để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu cũng như giá lúa gạo cho bà con nông dân, mà trước mắt là hợp đồng cho Philippines tới đây...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã