TS Lê Quý Kha (ảnh), Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam đã có cuộc trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.
Trong 3 năm qua, tiêu thụ lúa gạo gặp khó khăn, các tỉnh ĐBSCL bắt tay thực hiện đề án tái cơ cấu SX, đặt trọng tâm chuyển dịch SX trên đất lúa kém hiệu quả. Ông có nhận xét gì về một số mô hình thử nghiệm 2 lúa - 1 màu; 1 lúa - 2 màu?
Nhìn chung các mô hình thử nghiệm đều thành công. Tôi nhận thấy có 3 yếu tố góp phần thành công: Đó là chủ trương chính sách thông suốt từ trung ương đến địa phương; Đảm bảo đầu ra của thị trường; Hạ giá thành SX của nhiều loại cây trồng bằng cách áp dụng giống mới năng suất cao, quy trình công nghệ từ canh tác hiệu quả cao, cơ giới hóa đến công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát nông sản. Ở một số nơi chưa thành công do ít nhất 1 trong 3 yếu tố trên còn lỏng lẻo hoặc chưa có.
Mô hình nào khả thi có thể triển khai trên diện rộng và nơi nào đang phát triển mạnh nhất?
Nhiều mô hình thành công ở các tỉnh ĐBSCL như SX bắp lai, bắp nếp, bắp ngọt, bắp bao tử, đậu nành (đậu tương), mè (vừng), đậu phộng (lạc) dưa hấu, dưa leo, ớt, củ cải, khoai lang hoặc trồng rau trong nhà màng và một số cây khác... là những mô hình chủ yếu do nông dân tự lựa chọn.
Các mô hình khả thi có thể mở rộng theo chủ trương là bắp lai, bắp nếp, đậu nành, mè. Một số cây trồng khác như dưa hấu, khoai lang, củ cải… có hiệu quả kinh tế cao nhưng khi triển khai trên diện rộng sẽ gặp trở ngại về thị trường vì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao.
Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT các tỉnh (2013-2015), bắp lai có thể mở rộng ở tất cả 12 tỉnh ĐBSCL, riêng Cà Mau không có kế hoạch mở rộng cây bắp. Nhiều nhất là Đồng Tháp 7.000 ha, Hậu Giang 4.000 ha, Long An 3.000 ha, An Giang 3.000 ha, Kiên Giang 3.000 ha, Trà Vinh 2.000 ha, Cần Thơ 2.000 ha và các tỉnh khác có thể mở rộng 1.000 ha mỗi tỉnh.
Tiếp đến là cây đậu nành có thể mở rộng ở Vĩnh Long 2.000 ha, Kiên Giang 2.000 ha, Cần Thơ 2.000 ha, Đồng Tháp và An Giang mỗi tỉnh 1.000 ha. Cây thứ 3 có thể dễ dàng mở rộng là mè, lớn nhất ở Long An 3.000 ha, Đông Tháp và Kiên Giang mỗi tỉnh 2.000 ha, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang và Cần Thơ, mỗi tỉnh 1.000 ha.
Ở vùng lúa - màu huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) có thế mạnh trồng khoai lang; ở An Phú, Tân Châu (An Giang) trồng bắp lai; ở Tiền Giang, Bạc Liêu trồng dưa hấu… Tuy nhiên nông dân đạt lợi nhuận cao là do trúng chợ. Thị trường tiêu thụ vẫn là “nút thắt” khó nhất, vậy có giải pháp nào gỡ khó?
Về ngô chăn nuôi, lâu nay không phải không có đầu ra tiêu thụ tại ĐBSCL. Vì giá thành SX ngô của ta còn cao nên hiện giá ngô nhập khẩu đang thấp hơn giá ngô trong nước từ 400 - 500 đồng/kg. Mặc dù vậy các Cty như Cty TNHH TM DV Hiệp Quang, Cty Ecofarm, Cty Tài Lộc, Cty CP XNK Hải Bình (Habimex)… vẫn đầu tư mua ngô của Việt Nam với lượng hàng ngàn tấn mỗi tháng, nếu đạt yêu cầu, nhất là ở ĐBSCL chất lượng ngô hạt cao, mẫu mã đẹp các thương lái vẫn có thể thỏa thuận giá mua được. Ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau mặc dù hiệu quả có thể cao, nhưng nếu không điều tiết tốt, tình trạng được mùa rớt giá lại tiếp diễn.
Khoai lang hay dưa hấu cũng có tình trạng tương tự như ngô nếp, ngô ngọt. Vấn đề ở đây phải có số liệu thống kê dự báo tổng sản lượng, dự báo nhu cầu thị trường sao cho đạt mức độ chuẩn xác cao nhất, thông tin nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và giá quốc tế, cũng như giá mua bán trong nước cần đến được người SX kịp thời minh bạch. Đồng thời công tác quy hoạch sao cho trở thành mệnh lệnh khách quan, thực chất thì mới mong điều tiết thị trường.
Hiện nay cơ giới hóa đáp ứng mức độ nào trong quá trình chuyển đổi, cụ thể trồng bắp lai như thế nào?
Qua tham khảo cơ cấu giá thành SX ngô ở bang Iowa, Mỹ (2013), để SX 1 ha ngô, chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV các loại là 839 USD. Thuê đất và thuế đất 709 USD.
Chi phí thu hoạch, sấy, bảo quản 261 USD, cơ giới hóa trước khi thu hoạch gồm làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới nước, phun thuốc BVTV 122 USD. Công lao động các loại 91 USD. Tổng chi phí SX mỗi ha ngô 2.022 USD.
Năng suất ngô ở Mỹ vụ thuận lợi đạt trung bình 10 tấn/ha (độ ẩm hạt 14 -15%). Tức giá thành 202,2 USD/tấn (tương đương 4.281 đồng mỗi kg).
Cơ cấu giá thành mỗi tấn ngô (năm 2013) gồm 41,5 % chi phí giống vật tư, 35% chi phí thuê đất và thuế đất, 13% chi phí cơ giới thu hoạch, sấy, bảo quản, 6% chi phí cơ giới hóa trước thu hoạch và 4,5% chi phí công lao động phổ thông.
Trong khi đó ở ĐBSCL, chi phí công lao động phổ thông chiếm tới 40 - 50% tổng giá thành. Lý do còn nhiều khâu sử dụng công lao động chân tay, chưa áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ.
Ảnh minh họa
Hiện nay, công lao động ở nông thôn các vùng trở lên khan hiếm do quá trình công nghiệp hóa. Hơn nữa bình quân ruộng đất nông hộ ở ĐBSCL lớn gấp 10 - 20 lần so với ĐBSH. Chỉ có áp dụng cơ giới hóa thì canh tác ngô mới trở nên đơn giản đối với nông dân, giá thành mới giảm được.
Tuy vậy, hiện thời các mô hình trồng ngô áp dụng cơ giới chưa đồng bộ. Nơi có máy công cụ lên liếp và máy tẽ hạt như ở huyện An Phú (An Giang) hay huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
Ở Cần Thơ, nông dân áp dụng được máy tẽ hạt, chưa có máy lên liếp, chưa có lò sấy ngô. Ở Long An, nông dân mới có máy tách hạt. Nông dân ở tất cả các tỉnh đều chưa được nhìn thấy máy thu hoạch 2 hàng ngô, chưa biết tận dụng lò sấy lúa thành lò sấy ngô. Hầu hết máy móc nói trên do nông dân tự chế, chưa có máy móc đồng bộ đưa vào SX.
Ông kỳ vọng các mô hình sẽ mở rộng? Hiện có DN nào tham gia liên kết với nông dân SX cánh đồng lớn?
Dự án khuyến nông SX ngô trên đất lúa vừa được Viện KHKTNN miền Nam chỉ đạo mô hình tại 8 tỉnh, trong đó 3 tỉnh (Cần Thơ, An Giang, Long An). Để đảm bảo bền vững đòi hỏi tổng hòa của 3 yếu tố đã nói trên.
Được biết hiện nay nhiều DN đang sẵn sàng liên kết với nông dân như Ecofarm đã đầu tư cơ sở vật chất nhà sấy lớn và đang có những hợp đồng đầu tư theo kiểu SX lúa cánh đồng lớn tại Long An. Cty TNHH Hiệp Quang đã có nhiều kho lớn ở Cần Thơ, Long An… Hiệp Quang cho biết nếu dồn điền đổi thửa được hàng trăm ha một vùng SX ngô, họ sẵn sàng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân.
Thuận lợi nhất trong chuyển đổi trồng bắp ở ĐBSCL là gì, thưa ông?
Hiện nay sự chênh lệch giữa cung không đủ cầu về ngô thương phẩm ngày càng lớn. Nhiều mặt thuận lợi là bộ giống ngô rất phong phú đa dạng và quy trình canh tác phù hợp với khá đủ tài liệu để hướng dẫn nông dân.
Thêm vào đó là các Cty, đại lý thu mua ngô sẵn sàng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân. Nông dân cần cù, chịu khó, sáng tạo trong SX nông nghiệp nói chung cũng như canh tác ngô nói riêng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã