Giá gạo tăng hay giảm, nông dân đều thiệt Giá gạo xuất khẩu liên tục giảm, đặc biệt, trong vòng 3 năm qua, giá gạo xuất khẩu đã giảm 1.000 đồng/kg… khiến cho cả DN xuất khẩu và người nông dân đều chịu cảnh thua thiệt. Trước thực trạng này, ngày10-5, Viện Chính sách phát triển nông nghiệp kết hợp với tổ chức Oxfarm tổ chức Hội thảo "Ai hưởng lợi khi giá gạo tăng?” nhằm giải quyết tất cả những bất cập mà ngành lúa gạo đang mắc phải. Và theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp, một trong những mục tiêu của Hội thảo này là giải quyết được vấn đề đang nổi cộm nhất hiện nay: Làm sao để giá gạo tăng và người được thụ hưởng nhất chính là nông dân. Trên thực tế, thời gian qua, dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, song nông dân – đối tượng chính làm ra cây lúa - thì lại không được hưởng thụ nhiều từ những giá trị đạt được nhờ xuất khẩu. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (năm 2011) và Oxfarm (2012) đều cho thấy thu nhập của người dân trồng lúa rất thấp. Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước chỉ đạt 535 ngàn đồng/ người/ tháng. Đã vậy, đời sống của họ còn phụ thuộc chủ yếu vào giá gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng, còn có chút lợi nhuận, giá gạo xuất khẩu giảm, coi như thua lỗ cả vụ mùa. Tuy nhiên, theo khẳng định của các chuyên gia ngành lúa gạo, kể cả khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao, thì người trồng lúa được hưởng lợi rất ít. Thế nhưng, thời gian qua, xuất khẩu lúa gạo lại đang đối mặt với thực trạng giá gạo xuất khẩu ở Việt Nam thấp nhất so với thế giới. Và thực trạng này khiến không những DN xuất khẩu mà cả người trồng lúa đều lâm cảnh thua lỗ. Ông Nguyễn Đình Bích – chuyên gia ngành lúa gạo cũng nêu lên một thực trạng khi đánh giá bức tranh xuất khẩu lúa gạo 20 năm qua. "Khi quan sát lượng gạo xuất khẩu theo tháng, theo quý, theo năm, dễ dàng nhận thấy một nghịch lý, cứ khi giá gạo xuất khẩu xuống, Việt Nam lại ùn ùn xuất khẩu gạo, giá lên thì lại giữ gạo trong kho” – ông Bích nhận định. Chính cách xuất khẩu "có vấn đề” như vậy nên dẫn đến thực trạng, nông dân không được lợi, DN xuất khẩu không được lợi, và đương nhiên, nền kinh tế cũng sẽ chẳng được lợi gì. Bởi vậy, theo ông Bích, rất cần xem lại chính sách, chiến lược xuất khẩu gạo của ta hiện nay. Xuất khẩu gạo tăng trưởng Ảnh: T.L Chính sách nông nghiệp chưa hướng về nông dân Không phủ nhận, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho ngành lúa gạo, trong đó, phải kể đến những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu chính sách và Chiến lược (Viện Chính sách phát triển nông nghiệp), chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường. "Các chính sách này chưa tập trung tăng hiệu quả xuất khẩu của ngành mà mới chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường. Mặt khác, nông dân chưa phải là đối tượng chính của một số chính sách” – ông Thắng nhận định. Cụ thể, theo ông Thắng, người nông dân chưa được hưởng lợi nhuận 30% từ trồng lúa như trong chính sách lúa gạo đề cập. Đây là một thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, bởi, giá thành sản xuất lúa không tính đến tất cả các nhân tố cấu thành như lao động, phí thuê đất, lãi suất tiền vay, các chi phí vận chuyển… Bên cạnh đó, quy định giá định hướng hiện nay cũng không nhằm vào lợi ích của nông dân. Bởi, việc quy định giá định hướng cho DN nhưng DN đâu có thu mua trực tiếp lúa từ nông dân, mà thường phải qua nấc trung gian. Như vậy, quy định giá định hướng vô hình trung lại tiếp thêm lợi nhuận cho thương lái chứ không phải nông dân. ...Nhưng người nông dân vẫn thiệt thòi Ảnh: Hoàng Long Và để giải quyết những bất cập nói trên, nhằm mang lại những lợi ích mà người nông dân đáng được hưởng, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, chính sách lúa gạo rất cần tập trung vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của cây lúa thông qua việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư công nghệ, hỗ trợ giống mới nhằm nâng cao chất lượng hạt lúa thay vì chỉ chú trọng tăng sản lượng xuất khẩu. TS Nguyễn Công Thắng đề xuất, những vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa phải được quy hoạch để sản xuất lớn, được đầu tư cẩn thận, lúa chất lượng cao phù hợp thị hiếu. "Đây chính là những mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được Nhà nước quan tâm, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với những vùng chuyên canh này vẫn chưa rõ ràng” – ông Thắng nhận định. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn là rất tuyệt vời cho mục tiêu phát triển ngành lúa gạo. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như vẫn chỉ DN "tự thân vận động”, tại sao Nhà nước không góp tay để phát triển mô hình này bằng cách tạo cơ chế khuyến khích để DN và nông dân cùng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Duy Phương theo daidoanket |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã